Qutb Minar, Delhi

Dấu ấn vương triều ở thành phố Delhi

Trong suốt chiều dài lịch sử, Delhi đã đón tiếp không biết bao nhiêu tướng quân, lãnh chúa và hoàng đế. Mỗi thủ lĩnh lại cho xây một thủ đô mới theo ý của mình, khiến thành phố Delhi ngày nay trở thành một siêu đô thị với đầy dấu ấn của những vương triều xưa.

Lịch sử của thành phố Delhi là một câu chuyện đầy kịch tích. Thành phố này bị phá hủy và xây dựng lại không biết bao nhiêu lần vì khi quân xâm lược tấn công Tiểu lục địa Ấn Độ, chúng sẽ đi qua và cướp bóc “cửa ngõ” (nghĩa của cái tên Delhi) trước tiên. Những ai ở lại thì bị ấn tượng bởi vị trí đắc địa của Delhi. Họ đều muốn biến nơi đây thành kinh đô theo phong cách riêng.

Kết quả là một thành phố hiện đại được xây dựng trên nền móng của khoảng bảy tám đô thị cổ. Những tàn tích này là minh chứng cho vô số thủ lĩnh đã cai trị tại đây, từ vua Hindu, Hồi vương, hoàng đế Mogul và cuối cùng là hoàng gia Anh. Thú vị là chính sự thay đổi lên tục này đã làm phong phú cho đời sống văn hóa của Dehli, khiến nó trở thành một thủ đô năng động, đa sắc màu.

Advertisements

1. Vương quốc Hồi giáo Delhi

Theo ghi chép còn sót lại thì thành phố Delhi hình thành ở triều đại Tomara, thế kỉ thứ 8. Kinh đô này sau đó bị chinh phạt bởi vương tộc Chauhans vào thế kỉ thứ 10. Đến năm 1206 thì quyền cai trị chuyển sang cho các sultan đến từ những vương quốc Hồi giáo, bắt đầu với triều đại Mamluk từ Afghanistan. Đây là triều đại đầu tiên trong số năm triều đại kiểm soát phần lớn Nam Á trong suốt hơn 300 năm. Năm vương triều này không liên quan đến nhau, nhưng thời kì này được gọi chung là Vương quốc Hồi giáo Delhi.

Dưới sự trị vì của các Hồi vương, Delhi phát triển thành một trung tâm văn hóa và kiến trúc, thể hiện qua một loạt công trình, pháo đài và lăng mộ. Nổi bật nhất trong số đó chính là Di sản Văn hóa Thế giới Qutb Minar được xây dựng bởi vị sultan đầu tiên, Qutb-ud-din Aibak. Cuộc tấn công kinh hoàng của Timur (Thiếp Mộc Nhi) vào năm 1398 và sau đó là thất bại trước Babur vào năm 1526 đã khiến Vương quốc Hồi giáo Delhi hoàn toàn sụp đổ, mở ra thời kì của đế quốc Mogul.

1.1 Tháp Qutb Minar

Với chiều cao 72,5m, tháp Qutb Minar ở phía Nam thành phố Delhi là tòa tháp bằng gạch cao nhất Ấn Độ. Hồi vương đầu tiên, Qutb-ud-din Aibak, cho xây tòa tháp vào năm 1199 để khẳng định chiến thắng của ông trước các vua Hindu. Nó cũng đại diện cho sự trỗi dậy của Hồi giáo ở Ấn Độ. Tòa tháp được thiết kế với năm tầng. Nhưng vị sultan này chỉ có thể thấy tầng đầu tiên trước khi ông đột ngột qua đời trong một trận mã cầu. Người kế vị, Iltutmish, hoàn thành tòa tháp vào năm 1220.

Tòa tháp bằng sa thạch có vẻ ngoài độc đáo. Nó nhìn như thể được làm từ nhiều cột trụ và cột vuông đan xen vào nhau. Trên đó được khắc những dòng chữ trong kinh Quran tuyệt đẹp. Vào thế kỉ 14, tòa tháp bị sét đánh trúng hai lần, dẫn đến việc hai tầng trên cùng của tháp được thay bằng cẩm thạch trắng. Một mái vòm kiểu Ấn-Hồi được thêm vào nhưng đã bị sụp do một trận động đất vào năm 1803. Người Anh sau đó đã cố xây lại nó nhưng với thiết kế khác. Đó là một thảm họa kiến trúc nên đã bị dẹp bỏ.

1.2 Quần thể Qutb

Xung quanh tháp Qutb Minar là một quần thể lăng mộ đền đài do các đời sultan sau dựng nên. Nổi bật trong số đó là Thánh đường Hồi giáo Quwwat ul-Islam, lăng mộ Iltutmish, và cổng chào Alai Drawaza. Tất cả đều được chạm khắc vô cùng tinh xảo, với hoạ tiết đối xứng đậm chất Hồi giáo.

Điều thú vị là nhiều chi tiết ở quần thể này lại mang hoa văn đạo Hindu hay đạo Jain. Ví dụ như phần cột của Thánh đường Hồi giáo Quwwat ul-Islam. Tương truyền Hồi vương đầu tiên sau khi phá hủy khoảng 20 ngôi đền Hindu, đã cho sửa lại những cột này và mang chúng về đây. Trong những kiến trúc khác, nghệ nhân Jain đã khéo léo khắc họa tiết tôn giáo của mình mà không để cho các chủ nhân Hồi giáo phát hiện.

Tiêu biểu của kiến trúc Ấn-Hồi thời kì đầu.

Giữa sân chính của quần thể Qutb là một cây cột sắt bí ẩn mang đậm chất Ấn Độ. Không ai biết mục đích hay từ lúc nào mà cây cột ở đó. Nhưng ta biết một điều là cây cột không hề bị gỉ sét hay hư hại gì sau hàng trăm năm. Lí giải cho việc đó là kĩ thuật đúc sắt điêu luyện của người Ấn cổ đại. Những công trình này, cùng với tháp Qutb Minar, tạo thành một tổ hợp tiêu biểu cho kiến trúc Ấn-Hồi thời kì đầu.

Lăng mộ Iltutmish
Cánh cổng Alai Darwaza
Thành đường Hồi giáo Quwwat ul-Islam
Cột đá được khắc họa tiết Jain
Advertisements

2. Đế quốc Mogul

Khi Vương quốc Hồi giáo Delhi lụi tàn, Babur, thủ lĩnh vùng Fergana, đã lập ra triều đại Mogul vào năm 1526. Không lâu sau đó, một đế chế hùng mạnh được hình thành, trải dài từ Gujarat ở phía Tây đến bờ vịnh Bengal ở phía Đông, từ Lahore ở phía Bắc đến trung tâm Ấn Độ ở phía Nam. Tuy nhiên, những vị hoàng đế đầu tiên lại ưa thích Agra hay Fatehpur Sikri hơn.

Thành phố Delhi chỉ trở thành thủ đô dưới triều đại của hoàng đế thứ năm, Shah Jahan. Thời kì này được xem là thời kì hoàng kim của đế quốc Mogul. Các thành phố phát triển rực rỡ với thương nhân, kiến trúc sư, thợ thủ công và học giả đến từ khắp mọi nơi. Ý tưởng, phong cách mới cũng theo đó mà xuất hiện, tạo nên vô số kì quan văn hóa và nghệ thuật.

Sau cái chết của hoàng đế thứ sáu Aurangzeb vào năm 1707, đế chế Mogul dần thu hẹp. Một loạt những cuộc nổi dậy, tranh giành quyền lực đã nổ ra dẫn đến việc mất lãnh thổ về tay quân Maratha, Sikh, và nhiều lãnh chúa khác. Cuộc chinh phạt của Hoàng đế Nader Shah xứ Ba Tư vào giữa thế kỉ 18 càng làm cho đế quốc suy sụp. Đến năm 1760, hoàng đế Mogul chính thức bị thay thế bởi Toàn quyền Anh, mở ra thời kì đô hộ của đế quốc Anh trên lãnh thổ Ấn Độ.

2.1 Lăng mộ Humayun

Một trong những di sản Mogul được bảo tồn tốt nhất ở thành phố Delhi là lăng mộ Humayun. Công trình này thể hiện sự vượt trội và tính sáng tạo trong kiến trúc và thiết kế cảnh quan của Ấn Độ. Đây là khu vườn lăng mộ đầu tiên ở Tiểu lục địa, với độ bề thế hơn hẳn tất cả những công trình từng có ở thế giới Hồi giáo. Đây cũng là lần đầu tiên một char-bagh – kiểu vườn Ba Tư lấy cảm hứng từ thiên đường trong kinh Quran – được kết hợp vào kiến trúc lăng mộ.

Lăng mộ hoàn thành vào năm 1572, dưới sự giám sát của Nữ hoàng Bega Begum, để tưởng nhớ chồng bà là Humayun, hoàng đế thứ hai của triều đại Mogul. Nó được xây hoàn toàn bằng đá, bên ngoài phủ sa thạch, với những đường viền từ cẩm thạch trắng và đen. Một mái vòm cẩm thạch được đặt trên gian chính nơi hoàng đế yên nghỉ. Bên cạnh lăng mộ của vua còn có mộ của khoảng 150 người khác, chủ yếu là hoàng thân quốc thích. Mộ phần của nữ hoàng cũng được đặt tại đây.

Sự vượt trội và sáng tạo trong kiến trúc và thiết kế cảnh quan.

Nơi an nghỉ cuối cùng của Humayun không chỉ là một tuyệt tác của kiến trúc Timur, được xây bởi những bậc thầy đến từ Herat hay Bukhara. Nó còn là minh chứng cho kĩ năng của những nghệ nhân Ấn Độ. Ví dụ như thiết kế bát giác, hay chattris (vọng lâu) đặt hai bên mái vòm chính, hay mái ngói bằng gốm sứ. Tất cả đều lấy cảm hứng từ những lăng mộ ở thời kì Vương quốc Hồi giáo Delhi. Chính sự pha trộn kiến trúc này đã tạo nên sự độc đáo của phong cách Mogul, làm tiền đề cho những công trình sau này. Và đỉnh điểm chính là kì quan thế giới Taj Mahal.

Lăng mộ Hoàng đế Humayun
Khu vườn tráng lệ xung quanh lăng mộ
Kiến trúc bên trong lăng mộ
Advertisements

3. Đế quốc Anh

Mặc dù thành phố Delhi nằm dưới ách đô hộ của quân Anh từ đầu thế kỉ 19, nó chỉ trở thành thủ đô chính thức vào năm 1911. Khi đó, Calcutta (nay là Kolkata) đã trở thành điểm nóng của chủ nghĩa dân tộc, và Phó vương Anh nghĩ rằng sẽ dễ cai quản đất nước hơn từ vị trí của Delhi. Chính vì thế, một thành phố mới được xây dựng vào những năm 1920. Edwin Lutyens và Herbert Baker, hai kiến trúc sư nổi tiếng từ Anh, chịu trách nhiệm cho công trình thế kỉ này. Họ tạo ra một thành phố kiểu châu Âu, với những đại lộ đầy cây xanh, đài phun nước cổ điển và những villa sân vườn tráng lệ. Tuy nhiên, Delhi của Lutyens chỉ phục vụ chính phủ Anh được vài năm.

Sau cuộc cách mạng được dẫn dắt bởi Mahatma Gandhi, Ấn Độ giành độc lập vào ngày 15 tháng 8 năm 1947. Người Anh rút lui, để lại nhiều di sản kiến trúc kết hợp phong cách châu Âu với những đặc điểm của kiến trúc Ấn Độ và Mogul. Trọng tâm của thành phố Delhi mới (New Delhi) là đại lộ Rajpath – Champs Élysées của Ấn Độ. Đại lộ này nối phủ tổng thống Rashtrapati Bhawan với một cổng chào tựa Khải Hoàn Môn. Công trình này được xây để tưởng nhớ những chiến sĩ Ấn Độ hy sinh trong Thế chiến I. Hai bên phủ Tổng thống là Tòa nhà Thư kí nơi đặt các bộ và cả văn phòng Thủ tướng. Hiện tại, đại lộ Rajpath đang được chỉnh trang, với hai bên là những hàng cây và thảm cỏ rộng lớn.

Rajpath – tuyến đường huyết mạch của New Delhi
Đường đến Rashtrapati Bhawan
Tòa nhà Thư kí thiết kế bởi Herbert Baker
Cổng Ấn Độ – một biểu tượng của thành phố Delhi
Advertisements
Advertisements

Leave a ReplyCancel reply