Đối với người dân Bali, hệ thống thủy lợi không chỉ có nhiệm vụ là cấp nước cho cây trồng. Trái lại, nó là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều thứ có liên quan đến dòng nước được gọi là subak. Thông qua hệ thống này, một sự kết nối giữa con người, thiên nhiên và các đấng thần linh được hình thành.
Khi nhắc đến Bali nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của những thửa ruộng bậc thang. Sắc xanh lục phủ khắp mọi nơi, từ những ngọn đồi ở Đông Bali cho đến những thung lũng sâu ở Tegalalang. Nhưng nếu nói về độ hoành tráng thì thật sự khó có thể so được với Mù Cang Chải. Tôi đã tự hỏi có điều gì đặc biệt ở những cánh đồng này mà UNESCO lại xem đây là một cảnh quan văn hóa, cho đến khi bắt gặp những miếu nhỏ trên ruộng. Thoạt nhìn ta dễ tưởng lầm đây là một cây đèn đá. Cứ cách vài mét thì lại có một cây cột như vậy được trang trí với lọng che và đồ lễ.
Sau này tôi mới nhận ra những miếu này đánh dấu nơi nước chảy vào ruộng. Và chúng chính là một phần của hệ thống subak được phát triển vào khoảng 1.000 năm trước. Subak là một hệ thống thủy lợi phục vụ việc trồng lúa ở Bali. Đây là một hệ sinh thái nhân tạo phức tạp bao gồm nhiều thành phần. Ví dụ như ruộng bậc thang, hệ thống kênh đào, đập tràn. Nhưng đặc trưng nhất là những ngôi đền với đủ kích thước và tầm quan trọng. Nguồn nước và tất cả cây cối, cảnh quan quanh đó đều thuộc hệ thống này. Tổng cộng có gần 20.000 ha ở Bali được canh tác bằng hệ thống subak này.
1. Hệ thống subak hoạt động như thế nào?
Hệ thống subak hoạt động dựa trên Tri Hita Karana – một triết lý cổ xưa của Bali nhấn mạnh sự hài hòa giữa ba thế giới: tâm linh, tự nhiên và con người. Đầu tiên, dòng nước từ suối và ao hồ có nguồn gốc núi lửa sẽ chảy qua những ngôi đền. Tại đây nước sẽ được các thầy tế làm phép và ban phước lành. Sau đó, dòng nước sẽ chảy qua một hệ thống kênh rạch, đập tràn được quản lí bởi những hội nông dân, trước khi đổ vào từng thửa ruộng.
Tổng cộng có khoảng 1.200 hợp tác xã quản lý nước như vậy trên khắp Bali. Mỗi nguồn nước sẽ do 50 đến 400 người chịu trách nhiệm chăm sóc và giữ gìn dòng nước. Họ phải đảm bảo rằng dòng nước luôn thông suốt và không có bất kì hóa chất độc hại nào lọt vào nước. Có thể nói thông qua hệ thống subak, một mối liên kết giữa con người, tự nhiên và các vị thần được hình thành. Tất cả dung hòa để mang lại hạnh phúc và sự trù phú cho hòn đảo.
2. Đền nước
Trong toàn bộ hệ thống subak, pura tirta hay “đền nước” có lẽ là thành tố đặc biệt nhất. Nó hoạt động như một chất keo liên kết những phần còn lại với nhau. Ví dụ như qua các nghi lễ, người ta phải học làm việc cùng nhau. Thêm vào đó, các buổi lễ này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thiên nhiên với con người. Từ đó khiến con người tôn trọng thiên nhiên hơn. Một ví dụ điển hình của việc này là nghi thức thanh tẩy. Người được thanh tẩy sau khi làm lễ sẽ được tẩy rửa trong những hồ nước gọi là petirtaan. Nhờ dòng nước thánh mà cả tâm hồn lẫn thể xác đều sẽ được gột rửa.
Bên cạnh ý nghĩa tôn giáo, đền nước còn có vị trí quan trọng trong việc quản lí nước. Thầy tế ở mỗi ngôi đền sẽ chịu trách nhiệm điều phối nước cho những thửa ruộng xung quanh. Họ quyết định thời gian đóng và mở kênh mương, đảm bảo nước được phân phối một cách hợp lý và bình đẳng nhất. Toàn bộ hệ thống đền nước được sắp xếp như một mạng lưới, với ngôi đền chủ đạo là đền Ulun Danu Batur. Từ đây một hệ thống những đền nước nhỏ hơn tỏa ra khắp đảo. Mỗi đền lại kiểm soát một phần của hệ thống canh tác có một không hai này.
2.1 Đền Ulun Danu Batur
Tọa lạc trên rìa của lòng chảo Batur, Pura Ulun Danu Batur là ngôi đền nước tối thượng ở Bali. Đây là nơi thờ Dewi Danu – nữ thần cai quản hồ Batur nguồn nước ngọt lớn nhất đảo. Bà cũng kiểm soát toàn bộ sông suối và tất nhiên là hệ thống subak. Ngôi đền này trước đây nằm bên trong lòng chảo, ngay cạnh hồ Batur. Nhưng vụ phun trào năm 1926 đã hủy diệt gần như tất cả. Chỉ có ngôi đền chính với 11 mái là không bị hư hại. Không lâu sau đó, đền được dời về vị trí hiện tại.
Là một ngôi đền nước tối thượng, Pura Ulu Danu Batur có vẻ ngoài bề thế, với khoảng chín ngôi đền khác nhau. Mỗi ngôi đền lại đi kèm vô số những miếu nhỏ dành cho các tinh linh. Ví dụ như thần nước, nông nghiệp, nghệ thuật, đồ thủ công, v.v… Chúng đều được trang trí cầu kì với họa tiết chạm khắc hình hoa, tượng linh thú và những cánh cổng mạ vàng. Nhưng bạn có thể dễ dàng đoán được ngôi đền quan trọng nhất là ngôi đền 11 mái đã tồn tại từ trước năm 1926. Ngôi đền này được điều hành bởi một nữ thượng tế, hiện thân của thần hồ.
2.2 Đền Taman Ayun
Không kém phần đặc sắc chính là đền nước Taman Ayun ở Mengwi. Nằm cách Ubud 8km về phía Tây Nam, ngôi đền này được xây vào năm 1634 dưới thời vua đầu tiên của Mengwi để làm nơi an nghỉ cho hoàng tộc. Vào thời điểm đó, Bali được chia làm nhiều vương quốc và Mengwi là vương quốc lớn nhất. Hệ thống subak cũng phát triển cực thịnh ở đây, khiến nhiều người nghĩ đền Taman Ayun là trung tâm của sự phát triển này. Trong quá khứ chỉ có hoàng tộc mới được bước vào đền, vì thế mà nơi đây còn được biết đến với cái tên đền Hoàng gia Mengwi. Ngày nay, đền đã mở cửa cho cả người dân và du khách.
Pura Taman Ayun được biết đến nhờ vào kiến trúc độc đáo, kết hợp nước vào kiến trúc tôn giáo cổ điển ở Bali. Ví dụ như một hào nước bao quanh khu chính điện, một đài nước cầu kỳ ở khoảng sân trước rợp màu xanh cây cỏ. Hay hồ nước lớn ôm trọn toàn bộ ngôi đền. Ngoài những ngôi đền cho hoàng tộc còn có mộ số đền cho thần linh. Những vị vua Mengwi cho xây những ngôi đền này để đảm bảo thần dân của họ cũng có thể ấm no hạnh phúc. Vì lí do này mà Pura Taman Ayun vẫn là một đền thờ quan trọng của người Mengwi. Nó như một biểu tượng của sự gắn kết giữa hoàng tộc và người dân.