The restored hallway in Purple Forbidden City

Huế: Hành trình về cố đô

Cố đô của Việt Nam, Huế sở hữu một bản sắc rất riêng. Tôi về đây để tìm hiểu về lịch sử, cũng như để biết thêm về những nét đẹp văn hóa đã từng tồn trong suốt nhiều thế kỉ.

Ngẫm nghĩ lại thấy mình thật thiếu sót. Tôi đã từng đặt chân đến Versailles của Pháp, Sanssouci của Đức hay gần nhất là Cung Cảnh Phúc của Hàn Quốc. Thế nhưng lại chưa một lần nào đặt chân đến cố đô của Việt Nam. Kinh đô của triều Nguyễn trong kí ức tôi chỉ là những hình ảnh mơ hồ về một tòa thành cổ bên dòng sông Hương. Chính vì thế mà tôi đã quyết định quay lại Huế để tìm lại những vẻ đẹp hoài cổ đã từng tồn tại ở Việt Nam trong hơn 140 năm.

1. Kinh thành Huế

Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình về cố đô của tôi là Kinh thành Huế. Tôi đặt chân đến đây vào một buổi chiều hè oi ả, với nắng vàng rực rỡ trên những bức tường thành đã phủ rêu phong. Bên trong cung điện, ánh nắng chiếu qua những lối đi sơn son thếp vàng càng làm tôi liên tưởng về thời kì hoàng kim ở nơi này.

Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1789, Chúa Nguyễn Ánh đã đăng cơ và chọn Huế, quê hương của mình, làm kinh đô của Việt Nam. Để xứng với vị thế mới, Nguyễn Ánh (bấy giờ đã là Hoàng đế Gia Long) đã cho xây dựng một tòa thành bên dòng sông Hương. Tòa thành rộng khoảng 52 héc-ta, bao gồm ba vòng thành: Kinh thành, Hoàng thành (Đại Nội) và Tử Cấm Thành.

Công trình được bắt đầu xây dựng vào năm 1804, nhưng phải đến 30 năm sau mới hoàn thành. Đây là trung tâm quyền lực của 13 triều vua nhà Nguyễn. Nó toát lên một vẻ đẹp hoài cổ, nhưng cũng không kém phần uy nghiêm.

Trung tâm quyền lực của 13 triều vua nhà Nguyễn.

Hành lang tuyệt đẹp trong Hoàng thành Huế
Kì đài phía trước kinh thành
Ngọ Môn – Lối vào chính của Hoàng thành

Minh chứng lịch sử

Thiên tai và chiến tranh đã tàn phá nhiều phần trong kinh thành Huế. Hiện tại chỉ có điện Thái Hòa (nơi đặt ngai vàng) và một vài kiến trúc thuộc Đại Nội là còn giữ được nguyên trạng. Phần trung tâm của kinh thành là Tử Cấm Thành không may đã bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã và đang ra sức để khôi phục lại.

Mặc dù chịu nhiều tổn thất, kinh thành Huế vẫn đứng vững trong dòng chảy của thời gian. Nó là minh chứng cho sự thịnh vượng và tinh tế của triều Nguyễn, cũng như lịch sử nhiều sóng gió của vương triều kéo dài 143 năm này.

Điện Thái Hòa
Họa tiết hình rồng trên nóc điện Thái Hòa
Ngọ Môn nhìn từ điện Thái Hòa
Advertisements

2. Lăng Minh Mạng

Nằm cách cố đô Huế 12km về phía Nam, Lăng Minh Mạng hay Hiếu Lăng là nơi an nghỉ của vị hoàng đế thứ hai dưới triều Nguyễn. Trong suốt 21 năm trị vì, Hoàng đế Minh Mạng đã có công rất lớn trong việc mở rộng giang sơn bờ cõi, cũng như đem lại sự thịnh vượng cho đất nước. Tuy bảo thủ và có một số chính sách sai lầm như bài trừ phương Tây, ông vẫn được đánh giá là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của triều Nguyễn.

Lăng Minh Mạng được xây dựng dưới thời Vua Thiệu Trị (con trai Minh Mạng) và hoàn tất vào năm 1843. Lăng có vị thế đắc địa với lưng quay vào núi, mặt hướng ra nơi hội lưu của hai nhánh sông. Đây là một quần thể kiến trúc rộng lớn, bao gồm 40 công trình lớn nhỏ. Có thể nói đây là lăng mộ bề thế nhất ở Huế, thể hiện sức mạnh và quyền uy của vị Hoàng đế này.

Các công trình được xây đối xứng nhau từng cặp qua một trục chính chạy xuyên tâm lăng. Cách bố trí này làm cho toàn bộ khu lăng mộ có chiều sâu, đem lại một vẻ uy nghiêm. Để hòa hợp với cảnh quan xung quanh, xen giữa các công trình là những hàng cây và khu vườn. Hai bên lăng lại còn có hai hồ nước chạy viền xung quanh, tạo cảm giác yên bình, thanh thản.

Lăng mộ bề thế nhất ở cố đô Huế.

Đường vào lăng Minh Mạng
Bố cục đăng đối của lăng Minh Mạng

3. Lăng Khải Định

Lăng Khải Định hay Ứng Lăng là nơi yên nghỉ của vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Mặc dù có quy mô khiêm tốn hơn các lăng khác, nhưng Lăng Khải Định lại vượt xa các lăng khác về độ tinh xảo và sự xa hoa.

Không giống lăng mộ của các đời trước, lăng Khải Định không theo bất kì một phong cách kiến trúc nào. Ngược lại, nó là sự kết hợp của phong cách kiến trúc châu Âu với nền nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Ví dụ như: việc dùng sắt, xi-măng thay cho gỗ, mái đá Ardoise thay cho mái ngói, cột đá theo phong cách Roman, và cả đèn điện. Hay Cung Thiên Định, nơi đặt ngôi mộ của Hoàng đế là một tác phẩm nghệ thuật. Nó được trang trí vô cùng tinh xảo bởi hàng triệu mảnh thủy tinh màu và gốm sứ.

Tinh hoa của kiến trúc phong kiến.

Trong quá khứ, Khải Định và lăng mộ xa hoa của ông nhận vô vàn chỉ trích. Một số thậm chí gọi ông là kẻ phản quốc vì đã tăng thuế điền lên đến 30% để có tiền xây dựng lăng mộ này. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được rằng Lăng Khải Định là một công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Nó là một tinh hoa của kiến trúc phong kiến còn tồn tại ở Việt Nam.

Lăng Khải Định
Cung Thiên Định – nơi đặt lăng mộ của Hoàng đế Khải Định
Advertisements

4. Cung An Định

Chỉ mới được biết đến vài năm gần đây, cung An Định là một viên ngọc còn ẩn giấu của cố đô Huế. Công trình bên bờ sông An Cựu này được xây từ thời Hoàng đế Đồng Khánh dành cho thái tử Bửu Đảo (sau này là Hoàng đế Khải Định). Nhưng đến khi lên ngôi, Hoàng đế đã cho xây dựng lại dinh thự này bề thế và tráng lệ hơn. Cung An Định sau đó được truyền lại cho Bảo Đại – vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. Ông cùng gia đình đã sống tại đây từ lúc thoái vị vào năm 1945 đến lúc lưu vong sang Pháp vào năm 1955.

Cũng như Lăng Khải Định, Cung An Định được biết đến nhờ vào kiến trúc độc đáo. Khác hẳn với những biệt cung từng xuất hiện trước đó ở kinh đô triều Nguyễn. Nó mang dáng dấp của một dinh thự xa hoa ở châu Âu. Nhưng nếu nhìn kĩ ta có thể thấy được các yếu tố Á Đông như hình rồng, biểu tượng hoa mai và lá sen được hòa trộn vô cùng khéo léo.

Theo thời gian, Cung An Định đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là phần nội thất đã bị thay đổi, chỉnh sửa nhiều lần nên càng xập xệ. May thay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với sự giúp đỡ của chính phủ Đức đã ra sức trùng tu cung điện. Đến hiện tại thì mặt trước và sảnh chính của cung điện đã có lại vẻ đẹp xưa.

Cung An Định
Sân vườn trong cung An Định
Sảnh chính của cung An Định

Advertisements
Advertisements

Leave a ReplyCancel reply