Hagia Sophia - the icon of Istanbul

Istanbul và những Di Sản của Đế chế Byzantine

Tại thành phố Istanbul, ta có thể bắt gặp những di sản của Đế chế Byzantine tồn tại song song với những cung điện nguy nga thời Ottoman. Một số công trình khá dễ dàng để nhận ra, số khác lại cần một chút tưởng tượng vì chỉ còn lại phế tích.

Tọa lạc ở giao lộ giữa hai châu lục, không có gì lạ khi thành phố Istanbul là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa. Có vô số câu chuyện và cảm xúc đan xen lẫn lộn, khiến tôi không biết bắt đầu viết về nó từ đâu. Cuối cùng, tôi đã chọn những di sản từ thời kì Đế chế Byzantine, khi mà Istanbul được biết đến dưới cái tên Constantinople. Trong hơn 1100 năm, đây là thành phố đáng sống nhất châu Âu, với những nhà thờ lộng lẫy và cung điện xa hoa tráng lệ.

Tuy đa phần nhà thờ đã bị chuyển thành thánh đường Hồi Giáo và những công trình khác thì chỉ còn là phế tích, dấu ấn của đế chế Byzantine vẫn còn hiển hiện trong thành phố Istanbul ngày nay. Trên thực tế, nếu người Byzantine không chọn nơi đây là thủ đô của đế chế, Istanbul của ngày hôm nay sẽ không tồn tại. Thành phố không chỉ xây dựng trên nền của một cố đô, mà còn tiếp thu nhiều ảnh hưởng về văn hóa và tôn giáo của nó.

Sơ lược về thành phố Constantinople

Constantinople được thành lập vào năm 330 bởi Constantine, hoàng đế La Mã đầu tiên cải đạo theo Thiên Chúa giáo. Ông muốn xây dựng một kinh đô mới với vị trí chiến lược hơn, thay thế Rome lúc này đã trở nên quá xa tiền tuyến. Một khu cảng bên bờ eo biển Bosphorus tên là Byzantium được chọn là vị trí cho kế hoạch vĩ đại này. Chỉ trong vòng sáu năm, một chiến dịch xây dựng khổng lồ đã được thực hiện, hoàn toàn thay đổi diện mạo của thành phố.

Sau khi Ravenna – thủ đô của Tây La Mã – thất thủ vào năm 476, Constantinople trở thành thủ đô duy nhất của Đế chế La Mã. Thành phố tiếp nhận vô số nạn dân từ lãnh thổ phía Tây và trở thành điểm sáng văn minh trong thời kì Tiền Trung cổ. Mặc dù cũng có lắm thăng trầm, nhưng Constantinople vẫn phát triển lớn mạnh trong suốt nhiều thế kỉ.

Tuy nhiên vận hạn của thành phố thay đổi khi các hiệp sĩ Thánh chiến phá được bức tường bảo vệ vào năm 1204. Constantinople bị tàn phá và vô số của cải bị cướp về châu Âu. Người Byzantine sau đó cũng giành lại được thành phố, nhưng hào quang một thời của nó đã tắt vĩnh viễn. Đến năm 1453, Hoàng đế Mehmed II của Đế chế Ottoman đã tung đòn quyết định. Thành phố sụp đổ sau 53 ngày bị vây hãm, kết thúc số phận của Constantinople – kinh đô của Đế chế La Mã hùng mạnh một thời.

Từ giữa thế kỉ thứ 5 đến đầu thế kỉ 13, Constantinople là đô thị lớn và quan trọng bậc nhất vùng Địa Trung Hải. Nó kiểm soát con đưòng giao thương trọng yếu từ Biển Aegean đến Biển Đen, và từ Balkan đến Anatolia (Tiểu Á). Đây cũng là một trung tâm của văn hóa La Mã và Hy Lạp cổ, Đồng thời, nó cũng là cái nôi của hiều những tuyệt tác kiến trúc ấn tượng.

Advertisements

1. Hagia Sophia

Hagia Sophia là minh chúng tốt nhất chotài năng của những kiến trúc sư Byzantine. Mang ý nghĩa là “Trí tuệ của Chúa”, kiến trúc kì vĩ này từng là thánh đường Chính thống giáo lớn nhất thời bấy giờ. Nó được xây dựng sau Cuộc nổi loạn Nika đã phá hủy nhiều công trình quan trọng của Constantinople. Hoàng đế Justinian đã cho xây thánh đường vào năm 532 để cải thiện hình ảnh của ông. Hagia Sophia là thánh đường thứ ba được xây tại vị trí này. Nhưng kiến trúc của nó thì vượt xa những công trình trước đây.

Hagia Sophia là đỉnh cao của kiến trúc Byzantine

Hagia Sophia được cho là đỉnh cao của kiến trúc Byzantine. Công trình mang một vẻ đẹp choáng ngợp, với những cột đá cẩm thạch nguyên khối, đầu cột trạm trổ tinh xảo, và vô vàn những bức tranh mosaic mạ vàng tuyệt đẹp. Điểm ấn tượng nhất là mái vòm chính với đường kính 32,6m được chống chịu bởi những cột ẩn. Điều này khiến mái vòm như lơ lửng giữa không trung. Hiệu ứng này càng được tăng thêm nhờ với 40 ô cửa sổ ở chân mái vòm. Chúng tạo ra một vòng sáng, dường như tách mái vòm ra khỏi cấu trúc chính.

Sau khi trở thành thánh đường Hồi giáo vào năm 1453, một số yếu tố của đạo Hồi được thêm vào Hagia Sophia. Ví dụ như, bốn tòa tháp đá ở bốn góc và một vầng trăng bằng vàng ở trên đỉnh mái vòm. Bên trong, tám vòng tròn khổng lồ có khắc thư pháp Ả-rập được treo ngay ngắn trong chính điện. Trong khi đó, những hình ảnh có người thì bị che lại. Đến thế kỉ 16, Hagia Sophia được thêm vào các kết cấu chống động đát. Chính vì thế mà công trình vẫn có thể đứng vững sau gần 1.500 năm. Một điểm thú vị nữa là hình dáng mới của Hagia Sophia đã trở thành kiểu mẫu cho vô số nhà thờ Hồi giáo ở Ottoman sau này.

Thánh đường Hagia Sophia – Trí tuệ của Chúa
Nội thất có một không hai của Hagia Sophia
Khi ánh nắng rọi sáng Hagia Sophia.

Tips: Sau gần một thế kỉ làm viện bảo tàng, Hagia Sophia lại trở thành thánh đường Hồi giáo vào giữa năm 2020. Do đó, có một số quy tắc khi tham quan nơi này. Ví dụ như tránh giờ làm lễ, trang phục nghiêm túc và có những khu vực chỉ dành riêng cho tín đồ. Điểm lợi là không thu phí vào cửa.

2. Hagia Irene

Cách Hagia Sophia chỉ vài bước chân là một nhà thờ Byzantine khác mang tên Hagia Irene, hay “Sự bình an của Chúa”. Cũng như Hagia Sophia, đây là kiến trúc thứ ba được xây dựng trên vị trí này. Hai nhà thờ trước đó được xây vào thế kỉ thứ 4 và thứ 6 đã bị phá hủy hoàn toàn. Hagia Irene của thế kỉ thứ 8 trông giản dị hơn những công trình trước, do nó được xây vào thời kì mà tất cả các hình ảnh và biểu tượng tôn giáo đều bị cấm.

Trang trí cũng cực kì đơn giản, chỉ có vài nét trạm trổ cơ bản. Phần chính điện thì chỉ có một hình vẽ thập tự giá màu đen trên nền vàng. Mỉa mai thay, chính vì không có nhiều hình trang trí mà Hagia Irene là nhà thờ Byzantine duy nhất không bị biến thành thánh đường Hồi giáo. Thay vào đó người Ottoman sử dụng nơi đây như một kho vũ khí. Ngày nay, Hagia Irene là một viện bảo tàng và thỉnh thoảng là một sân khấu nghệ thuật.

Nhà thờ Hagia Irene – Sự bình an của Chúa

Tips: Nội thất của Hagia Irene trông như bị bỏ hoang. Thậm chí là một cái lưới lớn còn được móc ở sảnh chính để ngăn chim bồ câu. Tuy nhiên bạn vẫn có thể quan sát kiến trúc nguyên thủy từ thời Đế chế Byzantine. Vé vào cửa 350 ₺. Lưu ý là vé vào Cung điện Topkapi đã bao gồm một lượt vào tham quan Hagia Irene.

Advertisements

3. Hippodrome

Phía trước Hagia Sophia từng là nơi đặt Hippodrome – một trường đua ngựa khổng lồ có sức chứa đến 40,000 người. Đây từng là trung tâm đời sống xã hội thời Byzantine với đua ngựa là môn thể thao ưa thích. Tuy nhiên, sau cuộc Thập tự chinh lần 4, thì khán đài bị phá hủy. Nhiều đồ trang trí và tạo tác bị đem về châu Âu. Hippodrome sau đó trở thành một quảng trường dưới thời Ottoman. Và nó vẫn giữa vài trò đó cho đến ngày nay, dưới cái tên mới Sultanhamet.

Tuy khán đài Hippodrome đã biến mất, một vài di chỉ của nó vẫn còn tồn tại ở thành phố Istanbul ngày nay. Tiêu biểu như tháp obelisk 3500 năm tuổi làm từ đá granite có xuất xứ từ Ai Cập. Hay cây cột có hình đôi rắn từ Delphi, Hy Lạp. Những vật phẩm này từng được đặt giữa sân đấu và sử dụng để làm thanh phân luồng. Chúng được mang về Constantinople từ khắp nơi trên đế chế, nhằm phô trương quyền lực và sự giàu có của những hoàng đế Byzantine.

Cây cột hình đôi rắn từ Delphi và trụ đá obelisk từ Ai Cập
Đường cống thoát nước còn sót lại của Hippodrome.

4. Hầm chứa nước Basilica

Không chỉ có tường thành vững chắc, lí do mà Constantiople có thể chống lại được nhiều cuộc tấn công là do thành phố có một hệ thống nước phức tạp. Có hàng chục, thậm chí là hàng trăm hồ chứa nước được đào dưới lòng đất.. Những hồ này đảm bảo thành phố vẫn đủ nước để sống qua những cuộc vây hãm kéo dài. Trong số đó, lớn và ấn tượng nhất là hầm chứa nước Basilica .

Được xây dưới triều đại Hoàng đế Justinian để cung cấp nước cho cung điện, Baslica có thể chứa đến 80,000 tấn nước. Nó được đặt tên theo một thánh đường cổ từng tọa lạc bên trên hồ chứa. 336 trụ đá, mỗi trụ cao 9 mét, được dùng để đỡ những mái vòm bằng gạch. Một vài cột trạm trổ tỉnh xảo, trong khi một số khác lại để trống. Thú vị nhất, là những cột đá được đem từ nơi khác đến. Ví dụ như hai cột có bệ đỡ hình đầu Medusa hay cây cột có khắc hình như mắt trên đuôi công.

Sau khi Constantinople sụp đổ, Baslilica gần như rơi vào quên lãng. Nó chỉ được tái phát hiện vào năm 1545 khi một học giả người Pháp vô tình tìm ra khi đang nghiên cứu cổ vật Byzantine. Mặc dù vậy, người Ottoman không thích loại hầm chứa này. Chính vì thế “cung điện dưới lòng đất này” chỉ được dùng để đổ rác. Hầm chứa chỉ được làm sạch và bảo tồn vào giữa những năm 1980s. Và từ đó đã trở thành một trong những di sản văn hóa độc đáo nhất ở thành phố Istanbul.

Hầm chứa Basilica có thể chứa đến 80.000 tấn nước.

Một cung điện dưới lòng đất
Hàng trăm cột trụ nhô lên khỏi mặt nước
Chiếc đầu của nữ thần rắn Medusa

Tips: Hầm chứa nước Basilica Là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở thành phố Istanbul. Do đó, bạn nên mua vé online trước. Mua vé tại quầy cũng được, nhưng sẽ phải xếp hàng khá lâu. Giá vé vào cửa là 385 ₺.

Advertisements

5. Tháp Galata

Một biểu tượng khác không thể bỏ qua ở thành phố Instanbul là tháp Galata. Đứng trên một ngọn đồi có tầm nhìn toàn cảnh vịnh Sừng Vàng và eo Bosphorus, tòa tháp này từng được sử dụng để canh hỏa hoạn cho Constantiople. Bên ngoài thì được xây bằng gạch đá gồ ghề, trong khi nội thất thì dùng loại gạch dẹp làm nguyên liệu chính. Tháp Galata không chỉ có vai trò canh gác, mà còn là một phần của hệ thống phòng thủ. Đây là điểm cuối của một sợi xích khổng lồ nối liền hai bên bờ vịnh Sừng Vàng, nhằm cản trở thuyền địch tiến vào cảng.

Mặc dù được xây từ thời Đế chế Byzantine (1348-1349), tòa tháp này lại không phải tác phẩm của người dân thành Constantinople. Thay vào đó, các thương nhân Genoa đã cho xây tháp Galata để bảo vệ thuộc địa của họ ở bờ Bắc vịnh Sừng Vàng. Tuy nhiên, đây là tòa tháp thứ hai ở vị trí này. Tòa tháp đầu tiên được xây vào thế kỉ thứ 6 đã sụp đổ trong cuộc Thập Tự chinh lần 4. Dưới triều đại Ottoman, Galata tiếp tục được dùng làm tháp canh hỏa hoạn. Nó cũng được sử dụng làm nhà tù trong một thời gian, trước khi biến thành một bảo tàng vào những năm 1960.

Tháp Galata – nhìn từ bờ vịnh Sừng Vàng
Toàn cảnh thành phố Istanbul nhìn từ tháp Galata.

Tips: Tháp Galata nhìn đẹp nhất là từ mặt nước. Tuy nhiên khung cảnh nhìn từ đỉnh tháp cũng cực kỳ ấn tượng. Bên trong tháp có thang máy đưa du khách lên đến tầng 7. Từ đây cần phải đi bộ hai tầng lầu để đến đài quan sát. Phí vào cửa 650 ₺.


Video


Kinh nghiệm tham quan thành phố Istanbul

  • Ngoại trừ Hầm chứa nước Basilica, tất cả các thắng cảnh ở trên đều có thể sử dụng Museum Pass. Giá vé là 2250 ₺ và cho phép sử dụng trong năm ngày liên tục.
  • Museum Pass cũng được chấp nhận ở Cung điện Topkapi (cả phần Hậu cung) và Bảo tàng Khảo cổ Istanbul. Đây là hai trong số những điểm tham quan nổi tiếng nhất của Istanbul.
  • Đến tháng 6 năm 2023, hai kiến trúc quan trọng từ thời Đế chế Byzantine là Bảo tàng Mosaic và Nhà thờ Chora vẫn đang đóng cửa để trùng tu.
Advertisements
Advertisements

5 thoughts on “Istanbul và những Di Sản của Đế chế Byzantine”

  1. Ảnh siêu đẹp em ơi. Mặc dù lang thang 19 ngày ở Turkey mà chị vẫn thích Istanbul nhất, mà nghe cái tên Constantinople nó sang và quyền lực bao nhiêu em nhờ. Hồi đó chị đứng ở Galata ngáo ngơ cứ nghĩ đó là bờ Á chứ, buồn cười chết mất =))

    1. Thanks, chị! Công nhận cái tên Constantinople nghe nó sang mồm hơn hẳn 🙂 Giờ có tàu điện ngầm qua eo biển rồi nên đi từ khu phố cổ bên Âu qua Á chỉ mất 5-10 phút. Ko sợ lạc qua Galata nữa đâu haha. Mà e thấy bên châu Á người dân họ nice hơn. Bên kia tourist nhiều nên hơi bị hung hăng quá.

      19 ngày thì chị đi được những địa điểm nào rồi ạ? E đi 14 ngày mà chỉ mới được mấy nơi trong khu vực Central Anatolia. Càng vào sâu trong lục địa thì đồ ăn càng khó nuốt 🙂

      1. Chị mới chỉ đi đc ISB, Izmir, Oludeniz và Cappadocia á em. Biển ở Thổ siêu đẹp luôn í, chị chưa thấy nơi nào có màu nước xanh ma mị như thế.

      2. Em vừa google Oludeniz, công nhận màu nước ảo diệu thật 🙂 Đẹp ngang ngửa Crete mà còn rộng hơn. Mà chị đi dọc ven biển bằng bus ạ? Chứ e thấy high-speed train không có đi qua mấy chỗ này.

      3. Hồi đó bọn chị đi theo nhóm đông nên thuê xe riêng。Nhưng em có thể đi bus công cộng tới Kars, Oludeniz… luôn á

Leave a ReplyCancel reply