Một đại lộ đông đúc được thay thế bằng một dòng suối trong xanh. Một sân vận động bỏ hoang trở thành một khu triển lãm đẳng cấp thế giới. Hay một thung lũng nhân tạo trên nền của một dãy phòng học cũ. Trong gần hai thập kỉ qua, Seoul đã chứng kiến nhiều đổi thay trong quy hoạch đô thị. Từ một thủ phủ công nghiệp những năm 1960, thành phố đang dần trở thành một thủ đô xanh, thân thiện với môi trường.
Sau cuộc Nội chiến 1950-1953, Seoul chẳng còn lại gì ngoài những đống đổ nát. Nhà cửa, đường xá và những cơ sở hạ tầng quan trọng đều bị hư hỏng nặng. Để khôi phục nền kinh tế, một số đề án cải tạo đô thị đã được thực thi. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ tập trung vào phát triển công nghiệp.
Kèm theo đó là sự gia tăng dân số nhanh chóng đã đem lại không ít vấn đề về môi trường cho người dân Seoul. Để mang lại màu xanh cho thành phố, một số công trình cải tạo đã được thực hiện. Tiêu biểu nhất có lẽ là sự đổi thay của dòng suối Cheonggyecheon.
1. Dòng suối Cheonggyecheon
Chảy qua khu trung tâm Seoul, Cheonggyecheon từng bị nhiễm bẩn nặng nề. Dòng suối khô cạn do rác thải chặn dòng chảy. Kèm theo đó là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Để ngăn chặn mùi hôi, chính quyền Seoul đã đổ bê-tông lên trên dòng suối vào những năm 1950. 20 năm sau đó, một xa lộ bốn làn xe lại được xây dựng bên trên, hoàn toàn che lấp con suối. Tuy nhiên việc này không giải quyết được vấn đề ô nhiễm. Thêm vào đó khu vực dưới xa lộ lại trở thành một tụ điểm cho các loại tệ nạn xã hội.
Tình hình chỉ được thay đổi vào năm 2003 khi chính quyền thành phố theo đuổi một dự án phát triển bền vững, thân thiện hơn với môi trường. Trong vòng 29 tháng, xa lộ đã bị phá hủy hoàn toàn. Thay vào đó là một ốc đảo xanh giữa lòng thành phố. Một lượng lớn nước sạch cũng đã được bơm trực tiếp từ sông Hán vào đây, nhằm hồi sinh dòng suối khô hạn. Lượng xe lưu thông vào thành phố giảm cũng kéo theo không khí bớt ô nhiễm hơn. Và một lần nữa, người dân Seoul lại có thể tiếp cận thiên nhiên ngay trước cửa nhà của mình.
Một số thông tin cần biết
- Bắt đầu từ Cheonggye Plaza (Metro 5, Trạm Gwanghwamun, Lối ra số 5), dòng suối Cheonggyeon chảy qua tổng cộng 22 cây cầu trước khi đổ ra sống Hán. Bạn có thể đi dọc con suối và thưởng ngoạn ốc đảo giữa lòng thành phố này.
- Dòng suối Cheonggycheon cũng chảy qua một vài khu mua sắm nổi tiếng như Insa-dong và Dongdaemun.
2. Dongdaemun Design Plaza
Một đổi thay khác cũng được thế giới đặc biệt quan tâm chính là khu phức hợp Dongdaemun Design Plaza (DDP). Trên vị trí của một sân vận động cũ, kiến trúc sư lừng danh Zaha Hadid đã tạo nên một trong những công trình độc đáo nhất thế giới. Mang hình dáng như một chiếc phi thuyền khổng lồ, DDP được tạo nên bởi những đường cong mạnh mẽ. Cả trong và ngoài của tòa nhà dường như không hề có bất kì một góc nhọn nào.
Bao gồm bốn hội trường lớn, DDP được sử dụng cho các sự kiện thời trang. Cũng như những buổi triển lãm và nói chuyện liên quan đến thiết kế. Đây cũng là nơi để các nghệ nhân sáng tạo và bày bán các tác phẩm của mình. Nhằm hướng đến một Seoul xanh và sạch, Zaha Hadid đã thêm một vài chi tiết thân thiện môi trường vào công trình. Ví dụ như tường ngoài hai lớp để cách nhiệt, các tấm pin mặt trời và hệ thống tự xử lí nước thải. Một trảng cỏ rộng cũng được thiết kế trên mái của DDP để mọi người có thể nghỉ ngơi thư giãn.
Một số thông tin cần biết
- DDP nằm ngay trung tâm quận Dongdaemun sầm uất. Bạn có thể dễ dàng đến đây bằng Metro 2, 4 và 5. Trạm Dongdaemun History & Culture Park.
- Phần lớn các phòng triển lãm đóng cửa vào lúc 19:00, ngoại trừ khu vực Design Market và Design Rest Area.
3. Đại học Eunhwa
Sự đổi thay không chỉ diễn ra trong trung tâm thành phố Seoul. Mà nó còn lan tỏa ra các khu vực khác. Một ví dụ điển hình là campus mới của trường Đại học nữ Eunhwa ở quận Shinchon. Nằm trong top những trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc, ngôi trường này chào đón hàng ngàn tân sinh viên mỗi năm. Tuy nhiên, do số lượng sinh viên ngày càng đông mà diện tích của trường thì có hạn, một giải pháp sáng tạo là điều cần thiết.
Được thiết kế bởi Dominique Perrault, campus mới của Đại học Eunhwa không chỉ đơn thuần là một tòa nhà. Nó mang dáng dấp của một thung lũng, với hai khối nhà giảng dạy được đặt hai bên của một khoảng sân dài nơi có thể được sử dụng cho các sự kiện văn hóa, thể thao. Hai khu vườn được đặt trên mái của hai khối nhà này, mang lại màu xanh cho trường. Đồng thời cũng tạo thêm mảng xanh cho thành phố. Ngoài tác dụng mang ánh sáng vào trong hai khối nhà, thung lũng còn tạo nên một con đường tắt cắt ngang qua khu vực trường đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và dân cư ở đây.
Một số thông tin cần biết
- Đại học Eunhwa nằm ở khu làng đại học Hongdae. Bạn có thể đi đến đây bằng Metro 2. Trạm Eunwha University. Lối ra số 2 hoặc 3.
One thought on “Những đổi thay ở thành phố Seoul”