View of the Aravalli Hills from Jaigarh Fort

Pháo đài Jaipur: Những công trình vĩ đại

Sừng sững trên những ngọn đồi của rặng Aravalli, những pháo đài Jaipur không khỏi khiến ta choáng ngợp. Kết hợp yếu tố truyền thống Ấn Độ và Mogul, những công trình này là biểu tượng cho thời kì huy hoàng của những lãnh chúa Jaipur. Đồng thời chứng tỏ khả năng sáng tạo và kĩ năng của các nghệ nhân Ấn Độ.

Trước khi Jaipur được thành lập vào năm 1727, Jai Singh II đã cai quản lãnh thổ của mình từ pháo đài Amber nằm cách thành phố 9km về hướng Bắc. Cấu trúc đồ sộ này có màu vàng như mậtt ong và tựa mình vào một ngọn đồi đá. Phía trước nhìn ra một hồ nước lớn và bao quanh là một thị trấn nhộn nhịp cùng tên. Mặc dù gia đình lãnh chúa đã rời khỏi đây từ thế kỉ 18, Amber vẫn là điểm thu hút khách bậc nhất ở Jaipur. Nó là một trong số ít pháo đài ở bang Rajasthan được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Để bảo vệ Amber, một pháo đài khác được xây ngay trên đỉnh của ngọn đồn kế bên vào năm 1726. Nó được đặt tên Jaigarh theo tên của lãnh chúa và đặc trưng bởi tường thành làm từ sa thạch đỏ kéo dài gần 3km. Trong khi đó, pháo đài Nahargarh lại là một nơi nghỉ dưỡng cho hậu phi tọa lạc ở rìa một ngọn đồi có tầm nhìn hướng ra toàn thành phố. Tường của pháo đài này kết nối với thành Jaigarh tạo nên một vành đai kiên cố bao bọc Thành phố Hồng.

Đường đến pháo đài Amber
Giếng nước trong thị trấn dưới chân pháo đài Amber
Advertisements

1. Pháo đài Amber

Với cổng vào nguy nga, tường thành tráng lệ, và địa thế độc đáo, những pháo đài Jaipur hiếm khi khiến ta thất vọng. Nhưng nếu chỉ đủ thời gian để thăm quan một pháo đài, bạn hãy chọn Amber. Từng là nơi ở của lãnh chúa xứ Jaipur, pháo đài kiêm cung điện này là minh chứng cho sự giàu có, quyền lực, cũng như khiếu thẩm mĩ của người trị vì thời bấy giờ. Sa thạch vàng và hồng là nguyên liệu xây dựng chính ở đây. Cẩm thạch trắng cũng được sử dụng ở vài chỗ nhằm đem lại sự quý phái và sang trọng.

Pháo đài Amber là minh chứng cho sự giàu có và quyền lực.

Cũng như ở City Palace, pháo đài Amber kết hợp cả hai phong cách kiến trúc Raiput và Mogul. Nó được chia làm bốn khu vực, với sân trong, lầu các và cung điện xa hoa. Hai khu vực đầu tiên mở cửa cho công chúng. Đây từng là nơi diễn ra duyệt binh hay gặp gỡ thần dân. Bước qua cánh cổng Ganesh là đến hậu cung nơi ở của lãnh chúa và phi tần. Cánh cổng này được trang hoàng vô cùng rực rỡ với hàng ngàn họa tiết hình hoa tuyệt đẹp.

Tuy nhiên căn phòng khiến tôi sững sờ nhất chính là Sheesh Mahal hay Cung điện Gương. Đúng như tên gọi của nó, mỗi mét vuông trong căn phòng này được dát vô số những mảnh gương nhập từ Bỉ. Một vài mảnh được nhuộm màu. Số khác lại được sắp xếp theo họa tiết trừu tượng hay hình lọ hoa. Những gương này có hai mặt lồi cho phép ánh nến phản chiếu ra khắp phòng. Tại đây ta có thể cảm nhận rõ nét độ xa hoa của gia tộc trị vì Jaipur. Bạn có thể tưởng tượng ra Maharaja và hậu phi dùng bữa giữa một căn phòng rực rỡ như một bầu trời đầy sao.

Pháo đài Amber rực rỡ trên nền trời xanh
Cổng Ganesh – lối vào hậu cung
Sheesh Mahal hay Cung điện Gương

2. Pháo đài Jaigahr

Có nghĩa là Pháo đài Chiến thắng, Jaigarh là một công trình bề thế đặt trên đỉnh của một dãy đồi thuộc rặng Aravalli. Nó được xây vào năm 1726 để bảo vệ thành Amber và đồng thời làm ngân khố của hoàng gia Jaipur. Pháo đài này nổi tiếng bởi tường thành dày bằng sa thạch đỏ kéo dài gần ba cây số. Trên đó là hàng loạt những tháp canh có tầm nhìn bao quát ra thung lũng hay pháo đài bên dưới.

Jaigarh còn được biết đến nhờ vào thiết kế đặc biệt. Ở đây có kho thóc, hồ chứa nước, kho lưu trữ và thậm chí là một lò rèn, cho thấy khả năng phòng thủ vượt trội của pháo đài. Đây còn là nơi đặt Jaivana, khẩu thần công có bánh xe lớn nhất thời bấy giờ. Mặc dù chỉ mới bắn được một lần, nhưng khẩu đại pháo vẫn là một kì quan thú vị đáng để chiêm ngưỡng.

Pháo đài Jaigarh sừng sững trên dải Aravalli
Advertisements

3. Pháo đài Nahargarh

Tọa lạc ở rìa của một ngọn đồi, pháo đài Nahargarh là một lớp phòng thủ khác của Jaipur được xây bởi lãnh chúa Jai Singh II vào năm 1734. Ở độ cao 700m, công trình này cho ta một cái nhìn toàn cảnh thành phố. Trong suốt quá trình lịch sử, Naharagrh chưa từng bị tấn công. Nhưng tòa thành cũng đã chứng kiến một vài sự kiện lịch sử quan trọng. Tiêu biểu như việc Jaipur kí hòa ước với quân Maratha vào thế kỉ 18.

Bên cạnh vai trò phòng thủ, Nahagarh còn là nơi nghỉ hè cho hậu phi. Cung điện chính bao gồm 12 studio giống hệt nhau, sắp xếp quanh một khoảng sân chung hình chữ nhật. Mỗi phòng được trang trí đẹp mắt với tranh trường đầy màu sắc và một hành lang riêng dẫn đến phòng lãnh chúa. Kiến trúc này đậm chất truyền thống, nhưng có vài yếu tố chịu ảnh hưởng từ Tây phương, như lò sưởi hay bồn rửa mặt đứng.

Thành phố Jaipur nhìn từ pháo đài Nahargarh
Hậu cung bên trong pháo đài Nahargarh

Kinh nghiệm tham quan

  • Là thắng cảnh hàng đầu Jaipur, pháo đài Amber nên là điểm tham quan đầu tiên trong ngày. Sau khi qua cửa bạn nên đến thẳng cổng Ganesh hay Sheesh Mahal để tránh đám đông. Những chỗ này sẽ rất đông đúc vào giữa ngày. Những phần còn lại của pháo đài có thể từ từ khám phá.
  • Có thể đến Amber bằng taxi, jeep, phương tiện cá nhân, hay thậm chí là buggy. Bạn cũng có thể leo lên pháo đài nếu thời tiết không quá nóng. Cưỡi voi cũng là một hoạt động phổ biến ở đây nhưng tôi khuyên không nên sử dụng. Thứ nhất, bạn sẽ phải chờ lâu vì 10:00 quản tượng mới làm việc. Thứ hai, việc cưỡi sẽ làm tổn hại khung xương của những sinh vật này.
  • Vé vào Amber và Nahargarh bao gồm trong một vé Composite (1000₹). Vé bán tại hầu hết các điểm tham quan và có giá trị trong hai ngày.
  • Pháo đài Jaigarh lại cần một vé khác giá 100₹. Nếu bạn có ý định tham quan City Palace, một vé Composite giá 700₹ sẽ thuận tiện hơn.
  • Pháo đài Jaigarh và Nahargarh nằm trên cùng một dãy đồi. Chính vì thế nên chọn đi hai điểm này trong một ngày
  • Bạn nên thuê một hướng dẫn viên vì ở pháo đài có rất ít thông tin. Thỉnh thoảng bảo vệ cũng có thể sẽ “hóa thành” guide và dẫn bạn đi vòng quanh. Họ sẽ yêu cần bạn tips ở cuối những tour như thế.
Advertisements
Advertisements

Leave a Reply Cancel reply