Sunset at Six Senses Con Dao

Six Senses Côn Đảo: Thiên đường ngoài khơi xa

Được tạp chí du lịch Travel + Leisure bình chọn là resort hàng đầu khu vực Đông Nam Á, Six Senses Côn Đảo thực sự là một thiên đường nghỉ dưỡng. Nó ẩn mình dưới những tán cây, dọc theo một bờ biển yên tĩnh của Côn Đảo.

Nghe về Côn Đảo đã lâu nhưng tháng 12 vừa rồi tôi mới thực sự đặt chân đến nơi này. Buổi sáng hôm đó ở Sài Gòn khá mát mẻ, có phần hơi gió. Phải nói thật là tôi có một chút lo lắng vì đã nhiều tháng rồi chưa đặt chân lên máy bay. Thêm nữa còn là loại máy bay chong chóng như ATR72. Cảm giác đó vẫn không tan biến khi máy bay băng qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rồi tiến ra biển Đông.

Nhưng lạ thay, khi những hòn đảo bắt đầu xuất hiện giữa biển xanh, nỗi bồn chồn được thay thế bằng cảm giác thích thú. Bắt đầu là những đảo đá nhỏ, rồi sau đó là những đảo lớn hơn được phủ sắc xanh của núi rừng. Từ trên máy bay, tôi thấy từng đợt sóng bạc đầu vỗ vào bờ biển hay vách đá. Chúng rượt đuổi nhau trên mặt biển như những cánh chim bạc, tạo nên một khung cảnh cực kì thi vị.

Sơ lược về Côn Đảo

Nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 185 km về phía Đông Nam, Côn Đảo thực chất là tên gọi của một quần đảo. Quần đảo này bao gồm 16 thực thể lớn nhỏ khác nhau. Phần lớn là không có người ở, ngoại trừ đảo lớn nhất mang tên Côn Sơn.

Trong quá khứ, Côn Sơn là một nhà tù khét tiếng, đi dễ khó về. Nhưng ngày nay du khách trong và ngoài nước đến đây để trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Kèm theo đó là những vịnh biển hoang sơ và đầy quyến rũ.

Advertisements

Kiến trúc

Tọa lạc trên một đường bờ biển yên tĩnh ở phía Đông đảo Côn Sơn, với lưng tựa vào núi Lò Vôi, Six Senses Côn Đảo là một nơi trú ẩn đích thực. Điểm đầu tiên gây ấn tượng cho tôi chính là màu xanh của cỏ cây. Khu nghỉ dưỡng gần như được “giấu đi” bởi những tán lá xanh, từ những cây cao hàng trăm tuổi đến những loại cây bụi thấp bé. Nhưng nhiều nhất là cây phong ba. Loại cây này có khả năng chịu nắng, chịu gió cực tốt. Rễ của chúng cũng rất dài giúp đất không bị xói mòn. Thêm vào đó, màu lá xanh mướt cũng khiến ta dịu mắt.

Để tạo sự gắn kết với hòn đảo, khu nghỉ dưỡng được thiết kế như một làng chài xưa, bao gồm hơn 50 villa hướng biển làm từ gỗ tếch tái chế. Có một khu chợ ở gần cổng vào cũng được xây dựng chủ yếu từ ván ép sờn màu. Đây chính là nơi đặt quầy tiếp tân, hai nhà hàng, hai quầy bar và rạp chiếu phim ngoài trời. Theo một cách nào đó, hình ảnh thân thuộc của một làng chài Việt Nam đã được tái hiện lại ở Six Senses Côn Đảo.

Đường dẫn ra biển
Bãi biển thanh bình

Villa

Tấ cả villa ở Six Senses Côn Đảo đều là tác phẩm của AW2, một công ty chuyên về kiến trúc thân thiện môi trường. Từ những hàng rào tre, cấu trúc bằng gỗ tái chế, đến mái nhà hình cánh bướm để tăng lưu thông gió và hạn chế máy điều hòa, những chi tiết đó đều nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhưng nói như thế không có nghĩa là khách không được thoải mái hay thiếu tiện nghi.

Trái lại, villa mang phong cách kiến trúc hiện đại với hai tầng lầu. Tầng trên là phòng ngủ với cửa kính lớn, cho phép tôi có thể chiêm ngưỡng cảnh biển tuyệt đẹp. Bên dưới là phòng tắm theo phong cách mở, với bồn tắm trong nhà và cả chỗ tắm đứng ngoài trời. Phía trước villa là sân hiên nơi có đặt một hồ bơi vô cực nhỏ. Tất cả được bao bọc bởi một thảm cây phong ba và một khu vườn nhiệt đới. Vừa để giữ đất, vừa đảm bảo sự riêng tư cho khách.

Villa với kiến trúc thân thiện môi trường
Advertisements

Phát triển bền vững

Phát triển bền vững là một phần không thể thiếu ở Six Senses Côn Đảo. Quản gia (GEM) của tôi cho biết, do resort là một phần của vườn quốc gia Côn Đảo nên không có một cây to nào bị chặt trong suốt quá trình xây dựng. Những dòng suối, tảng đá và bãi biển đều được giữ gần như nguyên trạng. Kể cả những vỏ sò bị sóng đánh cũng không được chuyển đi.

Rác thải nhựa thì gần như không có (chủ yếu là do khách mang vào) và tất cả đồ dùng nhà tắm hay chất tẩy rửa đều là loại thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, resort còn có một khu vực gọi là Earth Lab. Tại đây, họ hướng dẫn về cách tái chế. Ví dụ như cách biến những khăn tắm cũ thành chậu cây, hay chai rượu cũ thành đá lót đường.

Bảo tồn rùa biển

Tuy nhiên hoạt động đáng chú ý nhất phải kể đến việc bảo tồn rùa biển. Đây là loài quý hiếm, nằm trong danh sách đỏ cần được bảo vệ. Phối hợp với cơ quan chức năng địa phương, Six Senses Côn Đảo đã cải tạo bờ biển trước resort trở thành một địa điểm hấp dẫn để rùa đẻ trứng. Nhân viên ở đây cũng góp phần bảo vệ trứng khỏi nạn săn trộm và thú săn mồi. Nhờ thế mà tỉ lệ nở thành công của rùa đã tăng lên đến hơn 90%.

Mặc dù đã lỡ mất mùa trứng nở vào mùa hè, nhưng tôi được xem nơi ấp của một vài quả trứng nở muộn. Ẩn mình trong một góc yên tĩnh của resort, khu ấp khó có thể nhìn thấy nếu không có người hướng dẫn. Những ổ trứng được đào trong cát. Sau đó được gia cố bằng gỗ và được che chắn bởi lá dừa. Chính nhờ che như thế mà tỉ lệ đực cái nở ra bằng nhau. Quá trình ấp kéo dài khoảng 50 đến 60 ngày. Sau khi nở, rùa con sẽ được thả về biển. Một điểm thú vị của rùa biển là khả năng ghi nhớ. Chúng có khả năng di chuyển hàng trăm cây số để về đẻ đúng chỗ cũ, sau 30 đến 40 năm.

Slow Food

Có thể nói, ẩm thực ở Six Senses Côn Đảo là điển hình cho xu hướng slow food. Bên cạnh những món Âu truyền thống, thực đơn ở đây đa phần lấy cảm hứng từ vùng biển đảo Việt Nam. Nhiều nguyên liệu cũng được mua trực tiếp từ ngư dân, hay thu hoạch ngay tại vườn.

Có đến ba hay bốn khu vườn tại Six Senses Côn Đảo. Bao gồm cả một vườn hương liệu trên mái của nhà hàng. Chính vì làm từ những nguyên liệu tươi mới nên đồ ăn ở đây có hương vị đặc biệt và ngon lành. Tôi vẫn nhớ mãi hương vị của món xôi mặn, hay món gà nướng kèm sốt nấm tự trồng.

Vườn hương liệu trên mái nhà hàng
Advertisements
Advertisements

Leave a ReplyCancel reply