Ban Gioc Waterfall, Cao Bang

Thác Bản Giốc: Vẻ đẹp hùng vĩ giữa đại ngàn

Nếu nhìn trên bản đồ Việt Nam, thác Bản Giốc dường không phải là một địa điểm du lịch lí tưởng. Nó nằm ngay sát biên giới Trung Quốc, cách Hà Nội hơn 360km về phía Đông Bắc. Ngay cả thị trấn gần nhất cũng cách đó đến 60km. Tuy nhiên, vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước có một không hai này đã thôi thúc nhiều du khách đến đây.

Rời khỏi hồ Ba Bể, hành trình Đông Bắc của tôi tiếp tục trên vùng đồi núi Cao Bằng. Là một tỉnh biên giới, Cao Bằng được biết đến với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với những rặng núi nhấp nhô ôm trọn thung lũng xanh tươi. Giữa khung cảnh thanh bình đó thác Bản Giốc sừng sững hiện lên như một điểm nhấn. Nó trông như một kiệt tác thiên nhiên tráng lệ mà Mẹ Thiên Nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

Non nước Cao Bằng

1. Thác Bản Giốc

Cao gần 30m và rộng trên 300m, thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư trên thế giới nằm dọc theo đường biên quốc gia; sau thác Iguazu, Victoria và Niagara. Về cơ bản, có thể chia thác thành hai phần: chính và phụ. Trong khi thác chính là biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì thác phụ nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Trong quá khứ, khu vực này đã từng diễn ra xung đột. Chỉ mãi đến năm 2001 sau khi cột mốc biên giới được xác định, bình yên mới thực sự quay lại thác Bản Giốc.

Sau bốn giờ trên những cung đường quanh co, tôi nghe được tiếng ì ầm của thác nước. Càng lại gần thì âm thanh càng rõ. Rồi thác Bản Giốc dần hiện lên sau lớp bọt trắng xóa. Nó hùng vĩ hơn tưởng tượng của tôi. Dòng nước cuồn cuộn chảy xuống những tầng thác, trước khi đổ vào hồ nước màu lam ngọc bên dưới. Từ xa, thác Bản Giốc trông như một bậc tam cấp khổng lồ. Tương phản với dòng nước lấp lánh ánh bạc đó là khung cảnh đầy màu xanh được tạo nên bởi cỏ cây và rêu phong. Tất cả dường như hòa quyện tạo nên một cảnh tượng thực sự khó quên.

Thác Bản Giốc (thác chính)
Thác Bản Giốc (thác phụ)
Dòng nước cuồn cuộn của thác Bản Giốc
Advertisements

2. Động Ngườm Ngao

Thác Bản Giốc kì vĩ là thế, nhưng đó không phải là kì quan thiên nhiên duy nhất ở Cao Bằng. Chỉ cách ngọn thác khoảng 5 km là một hệ thống hang động nằm sâu trong núi. Người Tày gọi nó là Ngườm Ngao, hay Hang Hổ, do từng có hổ sinh sống tại đây. Động được phát hiện vào năm 1921 nhưng mãi đến năm 1996 mới được mở cửa cho du khách.

Cảm giác như đang đứng trong một địa cung huyền ảo.

Động Ngườm Ngao được tạo nên bởi một dòng sông ngầm có niên đại hàng triệu năm. Dòng nước khoét sâu vào núi đá vôi tạo nên một hang động dài hơn 2100m, bao gồm nhiều phòng và ba lối vào. Chỗ rộng nhất của hang có chiều cao lên đến 60m.

Bước vào đây, tôi có cảm giác như mình đang đứng trong một địa cung huyền ảo. Xung quanh là những cột trụ đá vôi nguy nga, còn trên trần là vô số thạch nhũ lấp lánh. Tuy đoạn đường mà du khách có thể tham quan chỉ dài có 900m, nhưng tôi cũng đã bắt gặp không ít những khối đá có hình dạng thú vị. Ví dụ như một cây xương rồng khổng lồ, hay những thửa ruộng bậc thang. Thậm chí còn cả một thác Bản Giốc được tạo nên từ đá vôi.

Động Ngườm Ngao

3. Làng nghề thủ công truyền thống

Trên đường đến Bản Giốc, tôi có ghé qua làng rèn Pác Rằng. Đây là một trong hai làng nghề nổi tiếng nhất tại Cao Bằng. Làng còn lại là Phia Thắp, chuyên về làm nhang. Mặc dù không nổi tiếng bằng những làng nghề ở các địa phương khác, nhưng những ngôi làng này cho ta hiểu thêm về văn hóa của dân tộc Nùng An.

Tương truyền, làng Pác Rằng đã được hình thành từ thế kỉ 11. Họ sản xuất vũ khí cho dân quân địa phương để chống nhà Tống. Khi hòa bình lập lại, họ chuyển sang rèn các công cụ làm nông hoặc đồ gia dụng. Việc chuyển đổi trong sản xuất được tiếp diễn trong suốt những cuộc chiến ở thế kỉ 20. Ngày nay, ngọn lửa nghề rèn được giữ bởi 51 hộ dân trong làng. Họ dùng sắt vụn, chủ yếu là nhíp xe hơi, để làm nên dao, kéo và các loại công cụ khác. Hình dạng của những món đồ này không bóng bẩy như sản phẩm công nghiệp. Nhưng độ sắc thì cũng không kém cạnh.

Làng rèn Pác Rằng
Sắt vụn để rèn ở làng Pác Rằng
Axes made by the Nung An ethnic minority

Kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc

  • Để đến gần thác Bản Giốc, bạn có thể đi bè với giá 50.000 VND/người. Bè sẽ tiến rất gần thác, nên cần lưu ý đến những vật dụng không chịu được nước như máy ảnh. Bè cũng tạt qua bên phía Trung Quốc một vài phút để du khách có thể xem cảnh thác từ bên đó.
  • Vì đây là vùng biên giới nên chỉ có drone được cấp phép mới có thể bay ở đây. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhìn thác từ trên cao khi ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Bản Giốc. Thiền viện này được xây tựa vào núi. Từ đây có thể nhìn thấy cảnh thác và sông Quây Sơn bên dưới.
Thác Bản Giốc nhìn từ Thiền viện Trúc Lâm Bản Giốc
Thiền viện Trúc Lâm Bản Giốc
Advertisements
Advertisements

2 thoughts on “Thác Bản Giốc: Vẻ đẹp hùng vĩ giữa đại ngàn”

    1. E hên hơn chị 1 xíu. Hôm vừa đến, đi khảo sát thì được 15-20 phút nắng chiều. Ngày hôm sau quay lại định xem cầu vồng rồi chụp nhiều hơn, thì trời xám xịt 🙂

Leave a ReplyCancel reply