The Cenotaph in Peace Memorial Park

Thành phố Hiroshima và ước vọng hòa bình

Đối với nhiều người, cái tên Hiroshima đồng nghĩa với một thành phố kém may mắn. Hàng trăm ngàn người đã chết tại đây khi quả bom nguyên tử đầu tiên phát nổ. Tuy nhiên, chỉ trong vòng bảy thập kỉ Hiroshima đã hồi sinh thành một thành phố hiện đại, yên bình. Một nơi mà du khách từ khắp nơi trên thế giới đến để ước về một tương lai phi hạt nhân.

Trước cái ngày định mệnh đó, Hiroshima là một thành phố sầm uất với dân số khoảng 350.000 người. Nơi đây từng là trung tâm kinh tế và chính trị của vùng Chugoku, miền Tây Nam Nhật Bản. Đồng thời, thành phố Hiroshima còn được biết đến như một trung tâm đóng tàu và sản xuất khí tài quân sự. Vì lí do đó mà thành phố cảng này đã trở thành mục tiêu của quân Đồng minh.

Hậu quả kinh hoàng

Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, lúc 8:15 sáng, cánh cổng địa ngục đã mở ra khi trái bom nguyên tử “Little Boy” được thả xuống Hiroshima. Trong bán kính 2km, gần như tất cả mọi thứ, nhà cửa, cây cối hay con người đều bị hủy diệt trong chớp mắt. Toàn bộ trung tâm thành phố trở thành bình địa. Chỉ có duy nhất tòa nhà Atomic Bomb Dome  (原爆ドーム), nơi từng là chỗ tiếp thị cho ngành công nghiệp địa phương, là còn đứng vững.

Hơn 70.000 người đã chết trong vụ nổ. 70.000 người khác chết do bị thương nặng hay nhiễm phóng xạ. Từ một thương cảng sầm uất, Hiroshima đã trở thành một thành phố chết chỉ trong nháy mắt. Đến cuối năm 1945, con số thương vong đã tăng lên đến 166.000. Lí do là vì người dân từ các tỉnh khác đổ về thành phố Hiroshima để tìm kiếm thân nhân. Và kết quả là họ đã chết do bị phơi nhiễm phóng xạ. Từ đó, cái tên Hiroshima (cùng với Nagasaki) đã gắn liền với thảm kịch chiến tranh tồi tệ nhất trong lịch sử nước Nhật.

Atomic Bomb Dome – Kiến trúc duy nhất còn đứng vững sau vụ nổ kinh hoàng
8:15 AM – Khoảnh khắc cuối cùng của chủ nhân chiếc đồng hồ và thành phố Hiroshima
Một kỉ vật còn sót lại
Advertisements

Sự hồi sinh của thành phố Hiroshima

Sau khi chiến tranh kết thúc, Hiroshima đã được tái thiết nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ. Người dân cả nước cũng đã góp công sức trong việc xây dựng lại thành phố. Thêm vào đó, những dự đoán cho rằng thành phố bị nhiễm xạ và không thể sống đã được chứng minh là sai. Vì thế mà người dân Hiroshima đã dần quay trở lại. Bên cạnh đó, những kiến trúc cổ, như Lâu đài Hiroshima hay Khu vườn Shukkein đã từng bị phá hủy, cũng được khôi phục lại.

Một khu công viên rộng lớn cũng đã được xây dựng ở trung tâm thành phố Hiroshima, thay thế cho khu vực đã bị bom phá nát. Nó được đặt tên là Hiroshima Peace Memorial Park, nhằm thể hiện ước muốn hòa bình của nhân dân trên toàn thế giới. Công viên bao gồm một số đài tưởng niệm, cũng như một viện bảo tàng trưng bày những hình ảnh về thảm kịch ngày 6 tháng 8 năm 1945.

Trọng tâm của công viên là khu Hồ Hòa Bình (Pond of Peace) và Cenotaph – một nấm mộ chung cho tất cả những nạn nhân của thảm kịch đó. Tổng cộng có hơn 220.000 cái tên đã được khắc lên nấm mộ này. Tuy nhiên, đó chỉ là số nạn nhân có thể xác minh được thân phận. Ở chính giữa hồ có đặt một Ngọn Lửa Hòa Bình. Ngọn lửa này sẽ cháy cho đến khi toàn bộ vũ khí hạt nhân trên thế giới bị tiêu diệt…

Peace Memorial Park là hiện thân của ước vọng hòa bình.

Thành phố Hiroshima ngày nay
Bia mộ chung cho tất cả những nạn nhân
Lời nhắn hòa bình

Kinh nghiệm du lịch Hiroshima

  • Nằm trên tuyến Sanyo Shinkansen, Hiroshima chỉ cách Osaka hay Kyoto khoảng 2 giờ đi tàu. Nếu đi từ Tokyo thì sẽ mất khoảng 4 giờ.
  • Công viên Peace Memorial Park nằm ở ngay trung tâm thành phố. Nếu xuất phát từ nhà ga Hiroshima thì đi Tram 2 hoặc 6 đến trạm Genbaku Dome-mae (Atomic Bomb Dome). Giá vé là 180¥ một chiều, và trả trực tiếp cho tài xế khi rời khỏi tàu.
Advertisements
Advertisements

Leave a ReplyCancel reply