National Concert Hall

Đài Bắc: Thành phố của sự tương phản

Đối với tất cả du khách đến Đài Loan, thành phố Đài Bắc có lẽ là địa điểm được nhắc đến đầu tiên. Một đô thị tuy hiện đại sầm uất, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Hai nền văn hóa Trung và Nhật dường như hòa vào nhau, tạo nên một nét rất riêng cho thủ đô năng động này.

Nằm ở cực Bắc của đảo Đài Loan, thung lũng Đài Bắc (Taipei) từ lâu đã là nơi sinh sống của thổ dân địa phương. Đến đầu thế kỉ 18, vùng đất này được đặt dưới sự kiểm soát của nhà Thanh. Nhưng nó nhanh chóng rơi vào tay người Nhật khi Đài Loan trở thành thuộc địa của Nhật Bản vào cuối thế kỉ đó.

Khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, đảo Đài Loan được trao trả cho Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng chỉ được vài năm thì nội chiến xảy ra. Sau khi để mất quyền kiểm soát Trung Quốc đại lục vào năm 1949, Quốc dân Đảng đã di dời chính phủ tới đảo Đài Loan và Đài Bắc được chọn là thủ đô lâm thời. Ngày nay, Đài Bắc đã phát triển thành một trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng ở khu vực Đông Á.

1. Taipei 101

Điểm đầu tiên mà đa số du khách thường nhắc đến chính là Taipei 101. Với chiều cao 509m, đây là tòa nhà chọc trời cao nhất đảo quốc Đài Loan. Cho đến năm 2009, nó từng là tòa nhà cao nhất thế giới trước khi bị soán ngôi bởi Burj Khalifa ở Dubai. Đúng như tên của nó, Taipei 101 bao gồm 101 tầng và mang đậm phong cách Á Đông.

Nhiều chi tiết trong tòa nhà như phù điêu hình mây hay biểu tượng đồng tiền, cũng được tính toán cẩn thận nhằm đem lại phong thủy tốt nhất cho tòa nhà. Do vị trí địa lí của Đài Loan nên tòa tháp này cũng được thiết kế chống được cả bão và động đất. Nhìn từ xa, Taipei 101 mang dáng dấp của một cây tre khổng lồ đang vươn lên trời.

Tòa tháp Taipei 101
Advertisements

2. Quận Vạn Hoa

Vạn Hoa (Wanhua) là tên gọi của quận lâu đời nhất Đài Bắc. Nằm ở phía Tây thành phố, đây từng là một thương cảng dưới thời nhà Thanh. Chính vì thế mà khu vực này là nơi đầu tiên phát triển về mặt kinh tế. Ngày nay, tầm quan trọng của Vạn Hoa không còn được như xưa. Nhưng nó vẫn được người dân địa phương trân trọng và giữ gìn như một đại diện của Đài Bắc xưa.

Trái ngược với hình ảnh những cao ốc hiện đại quanh Taipei 101, Vạn Hoa đặc trưng bởi những kiến trúc cổ có từ thời nhà Thanh. Trong số đó, nổi bật nhất có lẽ là ngôi chùa Long Sơn. Ngôi chùa cổ mang đậm nét truyền thống với mái cong, những khung cửa chạm gỗ tinh xảo và cột hình rồng uống lượn. Vì thế mà nó được đánh giá là công trình tiêu biểu của văn hóa Phật Giáo tại Đài Loan. Chùa được xây dựng từ năm 1738 bởi những di dân người Phúc Kiến để thờ Phật Quan Âm. Nơi đây cũng là nơi thờ bà Thiên Hậu và Võ tướng Quan Vân Trường.

2.1 Tây Môn Đình

Mặc dù cũng thuộc quận Vạn Hoa, nhưng Tây Môn Đình (Ximending) lại mang một dáng vẻ trẻ trung. Khu vực này đặc biệt hấp dẫn giới trẻ nhờ vô số những shop thời trang và đồ chơi đầy màu sắc. Nó được ví như cái nôi của thời trang trẻ ở Đài Loan và là trung tâm của văn hóa Nhật Bản tại Đài Bắc. Tại đây, bạn cũng có thể tìm thấy những quán cafe theo phong cách “kì lạ” giống ở Tokyo. Chính vì thế mà Ximending được đặt cho cái tên là “Harajuku của Đài Bắc”.

Nằm ở trung tâm của Tây Môn Đình là Hồng Lầu – nhà hát lâu đời nhất Đài Loan. Tòa nhà được xây vào thời Nhật với phong cách kiến trúc kết hợp Á Âu. Kết quả là một nhà hát hình bát giác nối liền với một cấu trúc hình chữ thập. Sau hai lần trùng tu vào năm 2015 và 2016, Hồng Lầu được sử dụng làm nơi quảng bá văn hóa và nghệ thuật sáng tạo ở Đài Bắc.

Ximending – Full of sharp energy and vibrant colours
Hồng Lầu – nhà hát lâu đời nhất Đài Loan
Advertisements

3. Quảng trường Tự do

Một địa điểm khác không thể bỏ qua khi đến Đài Bắc chính là Quảng trường Tự do (Liberty Square). Từ khi hoàn thành vào cuối những năm 70, quảng trường rộng 240.000 m² này đã trở thành nơi công chúng tụ họp. Họ đến đây để tham gia các sự kiện thể thao, văn hóa được tổ chức thường xuyên. Đây cũng là nơi diễn ra những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Đài Loan 30 năm về trước. Tạo tiền đề cho chính phủ Đài Loan chuyển từ thể chế đơn đảng sang đa đảng như hiện nay.

Ở phía Bắc và Nam của quảng trường là Phòng hòa nhạc Quốc gia và Nhà hát Quốc gia. Cả hai đều mang dáng vẻ nguy nga của những cung điện Trung Hoa ngày xưa. Còn phía Đông là Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch. Tượng đài nay được dựng lên để tưởng nhớ Đại nguyên soái Tưởng Giới Thạch, cựu Tổng thống Trung Hoa Dân quốc. Nhà tưởng niệm có bốn mặt được sơn trắng. Mái nhà thì có màu xanh và được xây theo hình bát giác; hình dạng tượng trưng cho con số 8 may mắn. Trong sảnh chính có đặt một bức tượng lớn của Tưởng Giới Thạch. Và cứ cách vài giờ lại diễn ra các buổi thay gác.

Quảng trường Tự do
Phòng hòa nhạc Quốc gia

4. Bảo tàng Cố cung Quốc gia

Tựa mình vào những rặng đồi của quận Sĩ Lâm (Shilin) phía Bắc thành phố, Bảo tàng Cố Cung Quốc Gia là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới về cổ vật Trung Hoa. Nơi đây được ví như bảo tàng Louvre của Đài Loan, với hơn 697.000 mẫu vật từ thời kì đồ đá cho đến cuối triều đại nhà Thanh. Trong đó, có những cổ vật có niên đại lên đến hàng ngàn năm. Chính các hoàng đế Trung Hoa đã sưu tập và lưu giữ những mẫu vật này. Vì thế mà hầu hết các mẫu vật ở đây đều là loại cực phẩm.

Bảo tàng Cố cung Quốc gia có chung nguồn gốc với Bảo tàng Cố cung ở Tử Cấm Thành. Nhưng do cuộc Nội chiến Trung Quốc (1946-1949) mà bộ sưu tập bị tách làm hai. Tưởng Giới Thạch đã cho di dời toàn bộ cổ vật từ năm 1948, khi chiến sự trở nên căng thẳng. Những món đồ quý giá nhất đã được đóng gói và chuyển đi một cách lặng lẽ. Đầu tiên là đến Thượng Hải, rồi Tứ Xuyên, trước khi theo đoàn quân của Tưởng Giới Thạch vượt biển đến Đài Loan.

Theo ghi chép thì chỉ có khoảng 22% cổ vật từ Cố cung đã đến được đảo Đài Loan. Mặc dù vậy, hầu hết các mẫu vật ở đây đều thuộc hàng quý giá nhất. Trong số đó phải kể đến bắp cải bằng ngọc phỉ thúy hay quả cầu ngà voi gồm 21 lớp được chạm trổ tinh xảo.

Bảo tàng Cố cung được ví như Louvre của Đài Loan, với hơn 697.000 mẫu vật.

Bảo tàng Cố cung Quốc gia
Advertisements

5. Chợ đêm ở Đài Bắc

Đây có lẽ là điểm đến yêu thích của những ai yêu thích ẩm thực Đài Loan. Từ những năm 50, loại hình chợ đêm này đã mọc lên khắp Đài Bắc để phục vụ cho người lao động đến thành phố tìm việc. Họ chủ yếu bán những món ăn đơn giản, nhỏ gọn có thể gói mang đi gọi là xiaochi. Ví dụ như: bánh bao thịt ba chỉ, hào chiên trứng hay đậu hũ thối. Theo thời gian những món ăn này ngày càng phổ biến rộng rãi. Và chợ đêm đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của người dân Đài Bắc.

Có khá nhiều chợ đêm ở Đài Bắc, nhưng được biết đến nhiều nhất có lẽ là chợ Sĩ Lâm. Nằm cách Bảo tàng Cố cung Quốc gia khoảng 10 phút đi xe, chợ này chủ yếu phục vụ khách du lịch. Chợ mới được cải tạo lại gần đây nên hầu như tất cả hàng quán đều có quầy đàng hoàng. Tuy nhiên, nếu thích một nơi truyền thống hơn thì chợ đêm Nhiêu Hà (Raohe) sẽ là sự lựa chọn thích hợp.

Chợ đêm Nhiêu Hà

Chợ đêm Nhiêu Hà

Nằm ở quận Tùng Sơn (Songshan), chợ đêm Nhiêu Hà là một trong những khu chợ lâu đời nhất Đài Bắc. Nó đại diện cho loại hình chợ đêm truyền thống ở Đài Loan với hơn hàng trăm cửa hàng tập trung trên một con đường dài vỏn vẹn có 600m. Bạn dường như có thể mua tất cả mọi thứ tại đây, từ quần áo, giày dép, điện thoại di động, cho đến những món ăn vặt ngon lành.

Thậm chí có đến bốn hàng ăn ở chợ này lọt vào hướng dẫn Michelin Guide danh tiếng. Ở cửa ra phía Đông của chợ Nhiêu Hà là đền Từ Hựu (Ciyou), nơi thờ bà Thiên Hậu. Ngôi đền được xây vào thời nhà Thanh bằng tiền quyên góp của người dân địa phương trong suốt hơn 10 năm.

Bánh bao tiêu đen ở chợ đêm Nhiêu Hà

Kinh nghiệm du lịch Đài Bắc

  • Giống như các siêu đô thị ở khu vực Đông Á, Đài Bắc cũng sở hữu một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi và hiện đại. Tất cả những gì bạn cần là chiếc thẻ EasyCard. Loại thẻ này chỉ cần nạp tiền vào là có thể sử dụng trên hầu hết tất cả các phương tiện vận chuyển công cộng ở Đài Loan, trừ tàu cao tốc HSR.
  • Bảo tàng Cố cung Quốc gia là một danh thắng nổi tiếng nên khách du lịch đến đây rất đông. Bảo tàng thường mở cửa đến 17:00. Tuy nhiên, vào tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, bảo tàng sẽ mở cửa đến tận 21:00. Nên nếu muốn tránh đám đông, bạn nên chọn tham quan vào buổi tối.
Advertisements
Advertisements

2 thoughts on “Đài Bắc: Thành phố của sự tương phản”

  1. Vào 30/04 tới này, nhóm mình có chuyến tự túc sang Taipie, nhờ tham khảo nhiều bài viết của bạn mà nhóm mình thêm đam mê đi lịch. Giờ mong từ đây đến đó đừng dính vào cô vít là cả nhóm được quẩy rồi.

    1. Rất vui khi thấy blog của mình có thể giúp ích được cho bạn. Chúc bạn cùng cả nhóm một chuyến đi vui vẻ và nhiều sức khỏe 🙂

Leave a Reply Cancel reply