Dray Nur Waterfall, Dak Lak

Đắk Lắk: Khám phá thủ phủ cà phê Việt Nam

Nếu so với thánh địa du lịch Đà Lạt, Đắk Lắk không được nhiều người biết đến. Đa phần khi nghe đến cái tên này sẽ nghĩ ngay đến một trung tâm sản xuất cà phê. Nhưng thực ra có nhiều thứ còn ẩn giấu bên dưới lớp đất đỏ bazan của vùng đất này. Vẻ đẹp thực sự của nó chỉ dần được hé mở gần đây. hé lộ vẻ đẹp của mình: khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và sự đa dạng văn hóa (nền văn hóa phong phú).

Vào thời xa xưa, Đắk Lắk là một phần của vương quốc Chămpa cổ đại. Dấu tích của thời kì này vẫn còn hiện diện trong một cánh rừng ở phía Tây. Vùng đất này chỉ trở thành một phần của Đại Việt vào thế kỉ 15. Nhưng không giống như ở đồng bằng, các chúa Nguyễn để quyền kiểm soát lại cho những tộc trưởng địa phương.

Cảnh sắc tráng lệ và nền văn hóa độc đáo.

Điều đó đã thay đổi khi thực dân Pháp xâm lược. Người Pháp nhìn thấy tiềm năng ở mảnh đất bazan màu mỡ này. Họ cho xây dựng nhiều đồn điền, chủ yếu là cà phê và cao su. Và họ bắt người dân địa phương làm việc trong đó. Điều này dẫn đến những cuộc khởi nghĩa của các dân tộc thiểu số. Sau đó, Đắk Lắk, đặc biệt là Buôn Ma Thuột, thành tâm điểm của nhiều trận đánh lớn ở Tây Nguyên.

Ngày nay, Đắk Lắk nổi tiếng với cà phê, cao su, hạt điều và bơ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vùng đất này đã chứng kiến sự trỗi dậy của ngành du lịch. Thật vậy, cảnh đẹp ở Đắk Lắk không thua bất cứ nơi nào. Kèm theo đó là một kho tàng di sản văn hóa cực kì phong phú và đa dạng.

1. Buôn Ma Thuột

Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình khám phá Đắk Lắk của tôi là Buôn Ma Thuột – trung tâm giao thông và thủ phủ của tỉnh. Người Pháp đã chọn nơi đây là trung tâm hành chính từ năm 1904, thay cho đầu mối giao thông quan trọng là Buôn Đôn. Kể từ đó, Buôn Ma Thuột đã dần phát triển, trở thành đô thị đông dân nhất ở Tây Nguyên. Đây cũng là tỉnh sản xuất và xuất khẩu nhiều cà phê nhất cả nước.

Còn lại rất ít những vẻ dẹp xưa ở Buôn Ma Thuột. May ra, chúng chỉ còn hiện diện ở những đại lộ rợp bóng cây hay dịnh thự của vua Bảo Đại. Tuy nhiên, thành phố lại có những trải nghiệm khác để níu chân du khách. Ví dụ như, thưởng thức cà phê trong một căn nhà dài truyền thống. Hay tìm hiểu về những nền văn hóa cà phê ở Bảo tàng Thế giới Cà phê. Bạn cũng có thể khám phá những nét văn hóa đặc trưng các dân tộc ở Bảo tàng Dân tộc học Đắk Lắk.

Dinh Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột
Kiến trúc đậm chất phương Tây

1.1 Buôn Akõ Dhông

Tọa lạc ở phía Bắc thành phố, buôn Akõ Dhông hay còn gọi là Cô Thôn từ xưa đã là nơi sinh sống của người Êđê. Họ là cộng đồng dân tộc thiểu số đông nhất khu vực Tây Nguyên, với tổng dân số lên đến hơn 330,000. Trong quá khứ, người Êđê chủ yếu săn bắt hái lượm, cũng như sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Ngày nay họ cũng làm việc và đóng góp vào nền kinh tế giống như người Kinh.

Buôn Akõ Dhông đặc trưng bởi 32 nếp nhà dài truyền thống, xung quanh là những khu vườn đầy hoa. Những căn nhà được xây trên cọc gỗ và mang dáng dấp một chiếc thuyền. Người Ê đê trang trí nhà cửa bằng những hoạ tiết và tượng gỗ có hình người và thú. Phần lớn đều được khắc bằng rìu nên đường nét có hơi thô, nhưng lại rất sống động.

Trải nghiệm lối sống của người Êđê.

Những căn nhà dài này từng là nơi sinh sống của những đại gia đình nhiều thế hệ. Nhưng ngày nay, người Êđê đã cho xây dựng những căn nhà to hơn và tiện nghi hơn bên cạnh những nếp nhà dài. Họ cũng biến đổi những căn nhà đó thành quán cà phê hay homestay để du khách có thể trải nghiệm lối sống của người Êđê.

Cánh cổng được chạm khắc ở buôn Akõ Dhông

Nhà dài – Biểu tượng của chế độ mẫu hệ

Có thể nói nhà dài là một biểu tượng của chế độ mẫu hệ trong văn hóa người Ê đê. Theo tục lệ xưa, cứ mỗi lần một người phụ nữ trong nhà kết hôn, thì căn nhà lại cơi nới ra một phòng. Cặp đôi mới cưới sẽ dọn về đây. Nhà càng dài tức là càng sung túc, đủ đầy.

Cầu thang vào nhà cũng thể hiện uy quyền người phụ nữ. Cầu thang cho phụ nữ thường to hơn và được chạm khắc hình mặt trăng và bầu ngực. Trong khi đó, cầu thang cho đàn ông nhỏ hơn và thường trang trí sơ sài. Trong văn hóa Ê đê, chỉ có con gái được thừa kế. Và chỉ người con gái út được hưởng căn nhà dài, vì cô sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc bàn thờ tổ tiên và bố mẹ già.

Cầu thang trước nhà ở Akõ Dhông. Bên trái là dành cho nam, bên phải là dành cho nữ
Kiến trúc bên trong nhà dài (mô hình trưng bày trong Bảo tàng Dân tộc)
Hình tượng người mẹ Êđê
Advertisements

1.2 Bảo tàng Dân tộc học Đắk Lắk

Để có một cái nhìn toàn cảnh hơn về đời sống các dân tộc ở Đắk Lắk thì không nơi nào tốt hơn là Bảo tàng Dân tộc học. Mở cửa vào năm 2011, bảo tàng mang dáng dấp của một nhà dài khổng lồ. Nhưng đường nét thì lại mang đậm chất hiện đại. Nó bao gồm hai trục chính (một dài và một ngắn) và một phần “mái” được tạo nên từ những đường thẳng mạnh mẽ. Bảo tàng nằm trong khuôn viên của dinh Bảo đại – một mảng xanh rộng lớn ngay giữa lòng thành phố.

Với hơn 10.000 mẫu vật, khách than quan có thể biết thêm về 44 dân tộc đang sinh sống tại Đắk Lắk, từ trang phục, vũ khí đến những tiêu bản nhà dài. Bảo tàng còn cho ta thấy sự đa dạng sinh học của tỉnh, cũng như lịch sử của thành phố Buôn Ma Thuột. Một điểm rất tiến bộ ở bảo tàng này là phần chú thích. Bên cạnh tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp, bảo tàng còn có giải thích bằng tiến dân tộc. Điểm này cho phép đồng bảo có thể hiểu hơn về các tạo tác của chính họ.

Bảo tàng Dân tộc học Đắk Lắk

1.3 Bảo tàng Thế giới Cà phê

Một bảo tàng khác cũng lấy cảm hứng từ nhà dài đó là Bảo tàng Thế giới Cà phê. Khánh thành vào năm 2018, bảo tàng này bao gồm năm căn nhà dài. Nhưng nó không thẳng mà uốn lượn như những cơn sóng. Những căn nhà này theo phong cách tối giản, với tường trắng và mái đá. Bên trong cũng không sơn phết hay trang trí gì. Điểm màu duy nhất đến từ những vật phẩm trưng bày.

Từ hộp đựng cà phê, máy xay, ấm tách đến máy pha cà phê, hàng ngàn mẫu vật thuộc nhiều nền văn hóa cà phê được trưng bày ở đây. Chúng được sưu tập từ khắp nơi trên thế giới, nhưng nhiều nhất phải kể đến Hamburg. Thành phố cảng này cũng phất lên nhờ việc phân phối loại đồ uống ngon lành này. Bên cạnh khu triển lãm, bạn còn có thể thưởng thức một ly cà phê nóng ở phòng tương tác.

Bảo tàng Thế giới Cà phê
Advertisements

2. Thác Dray Nur

Rời thành phố, tôi lên đường đến Dray Nur (hay Drai Anur trong tiếng Êđê), một ngọn thác hùng vĩ nằm cách Buôn Ma Thuột 25km. Đây là thác nước lớn nhất Đắk Lắk, có chiều dài 250m và chiều cao lên đến 30m. Dòng Srepok – một phụ lưu của dòng Mekong chảy từ Campuchia vào Tây Nguyên – mang lại nguồn nước cho thác này. Bên dưới bức tường nước là một hang động lớn, nơi ta có thể chiêm ngưỡng dòng nước cuồn cuộn từ khoảng cách gần.

Do kiến tạo địa chất nên một khối đá khổng lồ trồi lên giữa dòng Srepok, tách dòng sông thành hai. Khi hai con sông này chảy xuống thì tạo nên Dray Nur (thác Cái hay thác Vợ) và Dray Sap (thác Đực hay thác Chồng). Chính hiện tượng có một không hai này đã đem lại cảm hứng cho người dân địa phương. Và họ đã viết nên một phiên bản Romeo và Juliet của núi rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, phần kết có phần thú vị hơn: hai bộ tộc thù ghét nhau bị chia cách vĩnh viễn bởi hai dòng sông hung hãn.

Thác Dray Nur vào mùa khô

3. Hồ Lắk

Hành trình của tôi tiếp tục ở Hồ Lăk – một kì quan thiên nhiên giữa núi rừng. Hồ là nơi trữ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên, với diện tích lên đến 6.2km2. Đây cũng là hồ lớn thứ hai ở Việt Nam sau hồ Ba Bể. Hồ Lắk thông với dòng sông Krông Ana, chính vì thế mà ngay cả vào mùa khô, nước hồ cũng chưa bao giờ cạn.

Hành trình đến đây cũng không kém phần thi vị. Tôi băng qua những cánh đồng xanh, những ngọn đồi nối tiếp nhau và những đồn điền cà phê đang vào mùa hoa. Hoa cà phê trắng muốt có hương nhẹ nhàng, rất khác biệt so với mùi hương của hạt. Sau khoảng một tiếng, một vùng hồ lớn hiện ra ở đường chân trời.

Bình minh trên hồ Lắk
Advertisements

Người M’Nông và hồ Lắk

Trong suốt nhiều thế kỉ, hồ Lak chính là nguồn sống của người M’Nông. Họ chủ yếu sống bằng nghề làm nông và đánh cá trên hồ. Người M’Nông cũng là những người thợ thủ công tài ba. Họ có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ đất sét. Và cũng giống như dân tộc Êđê, họ theo chế độ mẫu hệ.

Với người M’Nông, hồ Lắk rất linh thiêng.

Đối với người M’Nông, hồ Lắk là một nơi rất linh thiêng và có rất nhiều truyền thuyết và sự kiện kì lạ xoay quanh hồ này. Nhưng câu chuyện khiến tôi nhớ nhất chính là về nguồn gốc tên của hồ.

Ngày xửa ngày xưa, một phụ nữ M’Nông tên Y Lắk bắt được một con lươn nhỏ, nhưng có vẻ quý hiếm. Chỉ sau vài ngày, con lươn lớn nhanh như thổi. Nó trở nên khổng lồ và vùng hồ nơi nó sinh sống ngày một lớn dần lên. Sau đó, người dân đặt tên hồ là Đắk Lắk, có nghĩa là hồ nước của Y Lắk. Đây là nguồn gốc cho cái tên ngày nay của hồ, cũng như của tỉnh. Còn về Y Lắk, người ta tin rằng cô đã trở thành vợ của Thần Hồ (con lươn) và sống ở đáy hồ từ lúc đó.

Trải nghiệm xem voi

Khi ở hồ Lắk, tôi đã có dịp gặp M’Tau – một con voi nhà. Theo tiếng M’Nông, cái tên đó có nghĩa là công chúa và nó được cư xử đúng như vậy. Khác với những con voi bị nuôi nhốt, M’Tau trông rất ổn: làn da khỏe, bụng tròn, móng chắc, và đặc biệt là không có mùi hôi. Người quản tượng nói với tôi M’Tau rất thích tắm. Khi thấy nước là nó lao xuống ngay. Anh nói thêm rằng anh lớn lên cùng với nó, nên giữa anh và nó có một sự gắn kết. Những thứ như xiềng xích, theo anh, là không cần thiết. Những người chủ dùng những thứ đó chỉ để hủy diệt tâm trí của voi, bắt chúng làm việc như những cỗ máy.

Người quản tượng nói thông thường anh thả M’Tau vào cánh rừng sau hồ Lắk. Khi nào có khách muốn xem voi, anh mới đi cùng M’Tau ra bờ hồ để khách có thể quan sát voi. Phần lớn thời gian, M’Tau được làm những gì nó thích. Chủ yếu là ăn và bẻ một vài bụi chuối ven hồ. Người quản tượng ở đó để bảo vệ nó. Mặc dù cuộc sống này khó có thể so với cuộc sống hoang dã, nhưng ít nhất với M’Tau, nó được thoải mái về thể xác và tinh thần. Mặc dù chính quyền Đắk Lắk đã cấm việc hành hạ voi (kể cả cưỡi voi), nhưng phải mất một thời gian nữa để người quản tượng có thể thay đổi thói quen. Dù sao những chú voi này cũng đã từng là nguồn sống của họ.

M’Tau
M’Tau và người quản tượng
Một bức ảnh trắng đen của M’Tau

Kinh nghiệm du lịch Đắk Lắk

  • Hàng ngày đều có chuyến bay từ các thành phố lớn đến Buôn Ma Thuột. Ngoài ra cũng có bus liên tỉnh từ Sài Gòn. Hành trình mất khoảng 7.5 tiếng.
  • Nếu có xe riêng, bạn có thể kết hợp đi cung Đà Lạt – Buôn Ma Thuột. Hai thành phố này chỉ cách nhau 210 km, nhưng đường quanh co. Hồ Lắk cũng nằm trên cung đường này.
  • Công viên xung quanh Bảo tàng Dân tộc học cũng rất đáng xem, với nhiều loại cây cổ và quý. Bên cạnh đó còn có dinh Bảo Đại và một biệt thự theo phong cách những năm 60. Mặc dù không có hướng dẫn gì nhưng người ta nói đây là biệt thự của Trần Lệ Xuân.
  • Là thủ phủ cà phê Việt Nam, không khó để tìm được một quán cà phê đẹp ở Buôn Ma Thuột. Nhưng quán để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất là Arul Cafe ở buôn Akõ Dhông. Bạn sẽ được thưởng thức cà phê phin trong một ngôi nhà dài Êđê đích thực.
  • Mặc dù Dray Nur và Dray Sap thuộc hai tỉnh khác nhau nhưng có một chiếc cầu treo nối liền hai thác này (cám ơn bạn Táo). Bạn chỉ cần đi theo đường mòn xuyên đồn điền cà phê để đến cầu treo. Không cần vòng ra ngoài cổng rồi đi 23km để đến thác kia. Nếu chỉ đủ thời gian tham quan một thác thì hãy chọn Dray Nur. Thác này lớn và rất hoành tráng (kể cả vào mùa khô). Còn Dray Sap thì cũng như những thác nước bình thường khác.
  • Hồ Lắk chỉ cách Buôn Ma Thuột 52 km, do đó có thể dễ dàng đi về trong ngày. Nếu muốn ở lại thì bạn có thể chọn Lak Tented Camp – một khu eco-lodge khá xinh ngay bên hồ.
Advertisements
Advertisements

Leave a ReplyCancel reply