Một bên là biển Đông xanh thẳm và một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, dải đất hẹp vùng Nam Trung Bộ thực sự là một trong những cung đường đẹp nhất Việt Nam. Cung đường này kéo dài hơn 800km, nối liền Bình Thuận với Đà Nẵng, băng qua hàng loạt vịnh và bãi biển đẹp như tranh.
Với vị trí địa lí nằm sát biển, Việt Nam không thiếu những cung đường ven biển. Tuy nhiên, khó có đoạn nào đẹp bằng cung đường qua Nam Trung Bộ. Tại đây, dãy Trường Sơn hùng vĩ mọc sừng sững bên bờ biển. Ở nhiều chỗ, các mũi của nó còn chạy xiên ra biển, tạo nên các vịnh tuyệt đẹp.
Biển và núi dường như hòa vào nhau tạo nên một khung cảnh vô cùng tráng lệ. Điểm xuyết vào đó là những cảng thị và những làng chài xưa. Cũng như những di sản của vương quốc Chămpa – một vương quốc hàng hải đã từng kiểm soát khu vực này trong suốt nhiều thế kỉ.
1. Mũi Kê Gà
Điểm đến đầu tiên trong hành trình Nam Trung Bộ của tôi là mũi Kê Gà ở Bình Thuận. Mặc dù tên gọi là thế nhưng khu vực này thực chất là một hòn đảo. Nó chỉ nối với đất liền bằng một dải cát. Khi thủy triều xuống thì dải cát này mới hiện ra. Tuy nhiên, chỉ có một thời gian nhất định trong năm thì chiếc “cầu cát” này mới thực sự nối liền hòn đảo với đất liền. Chỉ có những loài cây bụi, cây dương và cây sứ có thể tồn tại được trên vùng đất đầy gió và sỏi đá này.
Hải đăng Kê Gà được xây mà không cần dùng vữa.
Đứng sừng sững trên đảo là ngọn hải đăng xưa nhất Việt Nam được xây dựng vào năm 1899. Vào thời điểm đó, vùng biển xung quanh Kê Gà rất nguy hiểm do có nhiều đá ngầm và bãi cạn. Sóng to gió lớn khiến thuyền dễ lạc mất phương hướng và đâm vào đá. Tuy nhiên, vị trí này lại vô cùng quan trọng trên tuyến hàng hải nối liền Vũng Tàu và Phan Rang. Chính vì thế mà người Pháp đã cho dựng một ngọn hải đăng tại đây.
Ngọn hải đăng cao 35m được làm hoàn toàn từ đá granite nhập khẩu. Chúng bền chắc đến mức gần như không hư hại gì qua hơn 120 năm. Một điều thú vị nữa là ngọn hải đăng này được xây mà không cần dùng vữa. Những hòn đá được cắt hoàn hảo tới mức khi xếp vào nhau chúng vừa khít, tạo thành một cấu trúc vững chãi.
2. Phan Thiết
Từ mũi Kê Gà, tôi men theo đường bờ biển để đến Phan Thiết – thủ phủ của tỉnh Bình Thuận. Nhiều du khách bỏ qua thành phố thoạt nhìn có vẻ tầm thường này để tiến thẳng ra các bãi biển. Tuy nhiên, họ không biết rằng đây chính là một trong những cảng cá lớn nhất nhì Nam Trung Bộ, với hàng trăm thuyền bè ra vào mỗi ngày.
Có thể nói, một chuyến đi đến Phan Thiết là một trải nghiệm đa giác quan. Từ hương vị của biển, âm thanh của sóng vỗ vào mạn thuyền, đến cảnh sắc của một cảng cá sinh động. Mặc dù du lịch ở đây cũng phát triển. Nhưng đánh bắt và chế biến hải sản vẫn là nguồn thu nhập của nhiều người dân Phan Thiết. Và không phải tự nhiên mà nước mắm Phan Thiết lại trở thành một đặc sản được ưa chuộng đến vậy.
2.1 Vạn Thủy Tú
Do cuộc sống gắn liền với biển, người dân ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã hình thành những thói quen liên quan đến đại dương. Trong đó có một tập tục mà tôi thấy khá thú vị chính là thờ cá voi. Cá voi, và ngay cả cá heo, thường được người dân gọi tôn kính là cá Ông. Đối với ngư dân, cá Ông là biểu tượng của sự may mắn. Cá giúp đỡ ngư dân sống sót qua những cơn bão dữ. Do đó, săn bắt là chuyện cấm kị. Và khi có Ông dạt vào bờ thì sẽ được đối xử như một người thân trong gia đình. Một vài con cá voi lớn còn được tôn thờ như thần linh.
Một ví dụ tiêu biểu cho tập tục này chính là Vạn Thủy Tú ở trung tâm Phan Thiết. Được xây dựng vào năm 1762, ngôi cổ tự này lưu giữ hơn 100 bộ cốt cá voi lớn nhỏ. Bộ lớn nhất dài đến 22m và nặng gần 65 tấn. Trong số 100 bộ cốt đó, 24 bộ được phong tước hiệu bởi các vua nhà Nguyễn. Điều này biểu thị tầm quan trong của cá voi trong đời sống văn hóa của người dân miền biển. Ngày nay, những bộ cốt cá voi này còn được đưa vào nghệ thuật. Ví dụ như trong Fishermen Show – một show diễn thực cảnh tái hiện lại làng chài xưa ở Phan Thiết.
3. Mũi Né
Nằm cách Phan Thiết chỉ vài cây số là Mũi Né – một điểm du lịch biển nổi tiếng. Khu vực này chủ yếu phục vụ khách du lịch với vô số hotel và resort nằm san sát nhau. Nhưng Mũi Né không phải lúc nào cũng như vậy. Trước năm 1995, làng chài này dường như bị lãng quên bởi cả du khách trong và ngoài nước.
Ở đây từng chẳng có gì, ngoại trừ bãi biển, hàng dừa dài vô tận và một vài hàng quán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 1995 khi nhật thực toàn phần xuất hiện tại Việt Nam. Và Mũi Né là địa điểm lí tưởng nhất để quan sát hiện tượng này. Hàng chục ngàn du khách đã đổ về đây, kéo theo sự phát triển của dịch vụ du lịch.
3.1 Đồi cát Đỏ & Đồi cát Trắng
Nhưng Mũi Né không chỉ có những bãi biển. Nơi đây còn sở hữu hai đồi cát hùng vĩ: Đồi cát Đỏ và Đồi cát Trắng. Đúng như tên gọi của nó, Đồi cát Đỏ mang một màu đỏ đồng vô cùng đặc trưng. Đồi cát được tạo ra do gió đem trầm tích ngoài biển vào đất liền. Dần dà tạo nên những đụn cát khổng lồ. Đồi cát Đỏ trở nên cực kì lộng lẫy vào lúc hoàng hôn khi những đụn cát được nhuộm lên một màu đỏ cam rực rỡ.
Trong khi đó, Đồi cát Trắng lại có màu vàng nhạt như vani. Đồi cát này trải dài hàng cây số, rộng lớn hơn nhiều so với Đồi cát Đỏ. Một vài đụn cát ở đây có chiều cao sánh ngang một tòa nhà ba tầng. Đồi cát này cũng được hình thành như đồi cát đỏ. Nhưng thay vì trầm tích, thì gió lại mang về đây nhiều cát hơn. Đồi cát Trắng trông cũng vô cùng ấn tượng lúc chiều tà khi mặt trời trải bóng trên những đụn cát. Những chiếc bóng lăn dài đến tận mặt hồ xanh biếc, tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng.
4. Phan Rang
Sau khi vượt qua “tiểu sa mạc” ở Mũi Né, hành trình Nam Trung Bộ của tôi tiếp tục ở thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận, Phan Rang. Đây là tên tiếng Việt của Panduranga – kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa. Trước khi sáp nhập vào Đại Việt vào đầu thế kỉ 19, vương quốc này đã thống trị vùng duyên hải Nam Trung Bộ trong suốt nhiều thế kỉ.
Ngày nay, Phan Rang vẫn được xem là một địa khu của người Chăm với cộng đồng người Chăm ở đây là lớn nhất cả nước. Họ sở hữu ruộng vườn, gia súc, nhà xưởng. Đồng thời, nhiều tập tục và nếp sống xưa vẫn còn được họ gìn giữ và bảo tồn.
4.1 Làng gốm Bàu Trúc
Trước khi vào thành phố Phan Rang, tôi đã ghé qua Bàu Trúc – làng gốm lâu đời nhất còn tồi tại ở Việt Nam. Nằm cách thành phố chừng 10km, làng gốm này được hình thành vào khoảng thế kỉ thứ 9 đến thế kỉ thứ 12. Trong tiếng Chăm ngôi làng được biết với cái tên Pali Hamui Craok và bao gồm hơn 400 hộ gia đình.
Vì toàn bộ quá trình đều được làm bằng tay, nên sản lượng khó có thể sánh được với những làng gốm khác. Tuy nhiên, gốm Bàu Trúc đã tạo nên một thương hiệu riêng cho mình. Nhiều nhà hàng, quán cafe, khách sạn và resort đều được trang trí bởi loại gốm này. Những năm gần đây, một thế hệ nghệ nhân mới đã thổi sức sống vào những món đồ gốm Bàu Trúc với những thiết kế tinh tế, hiện đại hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn thể hiện được cái hồn và văn hóa Chăm.
Gốm Bàu Trúc
Gốm Bàu Trúc được biết đến nhờ vào cách thức sản xuất vô cùng đặc biệt. Nó được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản: đất sét, cát, tro, trấu và củi để đốt. Vì gốm chỉ nung mặt ngoài nên không cần lò nung. Phần lớn đất sét được lấy từ sông Quao gần đó. Và mỗi năm chỉ được lấy trong vòng một vài tháng nhất định để lòng sông có thể phục hồi. Khác với những làng gốm khác, nghệ nhân ở Bàu Trúc không sử dụng bàn xoay để tạo hình. Mà họ để đất sét lên một mặt phẳng, sau đó đi vòng quanh nhiều vòng, vừa nặn, vừa tạo hình. Sau đó, họ dùng một miếng vải ướt để làm mịn mặt gốm trước khi thêm những họa tiết trang trí.
4.2 Tháp Po Klong Garai
Nằm trên một ngọn đồi cao ở phía Tây thành phố Phan Rang là tháp Po Klong Garai. Đây là di sản vĩ đại nhất còn sót lại của cố đô Panduranga. Thường được gọi là tháp Chàm, di tích này được xây dựng vào đầu thế kỉ 14 để thờ vua Po Klong Garai. Theo truyền thuyết, vị vua này xuất thân từ một chàng chăn bò hèn mọn. Nhưng định mệnh đã khiến chàng trở thành anh hùng. Và sau đó là vua của xứ Chămpa. Dưới sự trị vì của ông (1151-1205), Chămpa đã chặn đứng được cuộc tấn công của quân Khmer. Do đó, ông được tôn thờ như vị thần bảo hộ của người Chăm. Po Klong Garai cũng đã cống hiến rất nhiều trong việc trị thủy. Chính vì thế mà ông cũng được tôn sùng là vị thần cai quản thủy lợi.
Mặc dù không thể so với quần thể Angkor về độ hoành tráng, Po Kolong Garai vẫn là một kiệt tác kiến trúc của vương quốc Chămpa. Khu di tích này bao gồm ba công trình bằng gạch nung: một cổng tháp nhỏ, một nhà kho với mái hình yên ngựa, và một kalan (điện thờ chính) cao 25m. Cả ba đều được bảo tồn khá tốt, đặc trưng bởi những đường nét sắc sảo. Tất cả đều được trang trí khá đơn giản. Chỉ có một vài bia đá chạm khắc hình thầnShiva ở trước và xung quanh điện thờ chính. Ngoài ra còn có những họa tiết hình ngọn lửa trang trí trên mái và khu vực cổng vào.
5. Nha Trang
Theo Quốc lộ số 1 về hướng Bắc, tôi tiến về Nha Trang – điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình Nam Trung Bộ lần này. Con đường xuyên qua những vườn nho và ruộng muối kì ảo của vùng đất Ninh Thuận. Dưới ánh hoàng hôn, chúng như những tấm gương khổng lồ soi chiếu những vạt nắng cuối cùng. Cung đường sau đó chạy qua vịnh Cam Ranh, trước khi đến thành phố biển sôi động Nha Trang.
Một vầng trăng màu vàng nhạt ôm trọn một vùng vịnh xanh thẳm, khung cảnh tuyệt đẹp đó chính là biểu tượng của Nha Trang. Kể từ thời Pháp thuộc, thành phố này đã là một trong những khu nghỉ dưỡng được ưa chuộng nhất Việt Nam. Nó không quá to, vừa đủ để có thể trải nghiệm một đời sống phố thị sôi động. Nhưng cũng có đủ không gian để nghỉ dưỡng. Bên ngoài thành phố, còn có một vài bãi biển còn hoang sơ. Thích hợp cho những ai muốn trốn khỏi cuộc sống náo nhiệt thường nhật. Tiêu biểu như những bãi biển quanh khu vực vịnh Ninh Vân.
5.1 Tháp Po Nagar
Bên cạnh những bãi biển tuyệt đẹp, Nha Trang còn là nơi đặt tháp Po Nagar linh thiêng. Được xây dựng vào khoảng thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ thứ 12, công trình trên núi Cù Lao này là nơi thờ nữ thần Chăm Yan Po Nagar. Vị nữ thần này được cho là đã dạy nghề nông và nghề dệt cho người Chăm, nên rất được tôn kính. Ngày nay, một số nhà sử học xác định vị nữ thần này có thể là một phiên bản khác của Durga, Thánh Mẫu trong đạo Hindu.
Tháp Po Nagar là nơi ghi chép lại lịch sử của vương triều xưa.
Nếu so với tháp Po Klong Garai ở Phan Rang, Po Nagar có phần bề thế hơn. Quần thể được chia làm ba tầng, với tầng thấp nhất là cổng vào đã bị phá hủy hoàn toàn. Tầng thứ hai chỉ còn sót lại hai hàng cột có hình dạng bát giác. Đây có thể là những gì còn sót lại của một tòa nhà rộng lớn. Nơi mà khách hành hương giải lao và chuẩn bị đồ lễ trước khi bước vào điện thờ chính. Tầng trên cùng là khu vực điện thờ, nơi đặt hai hàng tháp. Trước đây có lẽ có sáu hoặc bảy công trình ở đây, nhưng ngày nay chỉ còn bốn.
Các tháp này đều được làm hoàn toàn bằng gạch nung. Trang trí có phần cầu kì hơn tháp ở Phan Rang, với bia đá được trang trí ở mỗi góc cạnh. Họa tiết trang trí trên mái cũng đa dạng hơn, với vô số hình thù, từ hình người, thú vật, đến đấng thần linh. Đáng tiếc, trong suốt chiều dài lịch sử nhiều chi tiết đã bị lấy cắp hoặc bị phá hủy. Bên cạnh vai trò là nơi thờ phụng, tháp Po Ngar còn là nơi ghi chép lại lịch sử của vương triều xưa. Tại đây, có một loạt những bia đá chạm khắc ghi chép lại chi tiết về cuộc sống của người Chăm xưa. Cũng như những sự kiện lịch sử của các triều đại Chămpa.
To be continued…
Làm cô thèm về Việt Nam quá. Mong VN được chích vaccine sớm sớm.
Hi vọng là đến cuối năm được chích ạ 🙂 Đối với du khách vaccinated rồi thì dự định là từ mùa thu sẽ được giảm/miễn thời gian cách li đó cô. Official statement thì phải chờ đến lúc đó mới biết.