Walking through the Japanese Bridge

Hội An: Nét đẹp của cảng thị trăm năm

Hội An, đô thị bên dòng Thu Bồn, nổi danh nhờ vào những nét đẹp cổ xưa. Người ta đến đây để nhớ về một thương cảng sầm uất nhất nhì Đông Nam Á. Nơi thuyền buôn từ Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây đến để trao đổi và mua bán hàng hóa trong suốt nhiều thế kỉ.

Người Chăm là những người đầu tiên khai phá vùng đất bên dòng Thu Bồn này. Đây từng là một nút giao thương quan trọng trên tuyến đường gia vị nối liền các nước Đông Á với các nước ở Đông Nam Á. Nhưng Hội An chỉ thực sự phát triển thành một thương cảng quốc tế dưới thời của Chúa Nguyễn Ánh vào thế kỉ 15. Ông đã cho mở cửa giao thương với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và cả các nước phương Tây. Điều này đã thu hút thương nhân từ khắp các nơi. Họ mang hàng hóa đến để buôn bán tại cảng thị sầm uất từng được gọi là Faifo này. Đi kèm với đó là những phong tục, văn hóa và tín ngưỡng.

Tuy nhiên, đến khoảng cuối thế kỉ 18, tầm quan trọng của Hội An giảm dần. Lí do là cửa biển bị bồi lấp, làm cho các thuyền buôn không vào được. Thêm vào đó, sự trỗi dậy của các cảng biển khác, đặc biệt là Đà Nẵng, đã khiến cho Hội An không thể cạnh tranh nổi. Kể từ đó, cảng thị sầm uất một thời rơi vào giấc ngủ kéo dài 200 năm.

Như một trò đùa của số phận, chính vì bị lãng quên mà Hội An vẫn giữ được vẻ đẹp xưa. Hơn 800 căn nhà trong khu vực phố cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Điều này đã khiến UNESCO chú ý và họ đã công nhận Hội An là Di sản Văn Hóa Thế giới vào năm 1999. Ngày nay, thành phố bên dòng Thu Bồn này là một bảo tàng sống nơi mọi người đến để chiêm ngưỡng một trong những cảng thị lâu đời nhất Đông Nam Á.

Chính vì bị lãng quên mà Hội An vẫn giữ được vẻ đẹp xưa.

Advertisements

1. Phố cổ Hội An

Dạo quanh những con phố nhỏ hẹp, ngắm nhìn những bức tường vàng đã sờn màu và những mái ngói phủ rêu phong, tôi có cảm giác như mình đang du hành ngược thời gian. Tôi nhận ra những ngôi nhà phố của người Việt nằm cạnh bên những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.

Đan xen vào đó là các hội quán, đền miếu đậm chất Hoa. Là thương cảng quốc tế, Hội An đã ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn văn hóa. Có lẽ vì thế mà người ta đã đặt cái tên “Hội An” (會安) cho cảng thị này – một nơi hội ngộ an lành.

Một chiếc lướt nhẹ trên sông Thu Bồn
Đối xứng hoàn hảo
Advertisements

1.1 Chùa Cầu

Hành trình của tôi tiếp tục ở Chùa Cầu – biểu tượng của Hội An. Bắc qua con lạch chảy ra sông Thu Bồn, cây cầu này nối liền đường Trần Phú và đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chùa Cầu nổi danh bởi kiến trúc lạ mắt: dài 18m, có mái che, được làm bằng gỗ có sơn son chạm trổ rất tinh xảo.

Chùa Cầu là một món quà của những thương nhân Nhật Bản. Cứ mỗi năm, họ theo thương đoàn đến Hội An làm ăn sinh sống trong nhiều tháng. Chính vì thế, họ muốn làm gì đó cho vùng đất này. Ban đầu Chùa Cầu được xây theo phong cách kiến trúc Nhật Bản. Nhưng sau nhiều lần trùng tu, cầu ngày càng mang đậm nét văn hóa Việt. Bên trong cầu có thờ một tượng gỗ của Bắc Đế Trấn Võ như thể hiện khát vọng về hạnh phúc, niềm vui của những người dân đất cổ Hội An.

Chùa Cầu ở Hội An

1.2 Hội quán người Hoa

Cũng như những thương nhân Nhật Bản, nhà buôn từ các vùng phía Nam của Trung Quốc cũng theo gió mùa xuôi về Hội An. Họ sinh sống ở đây trong thời gian dài và lập nên các hội quán để gặp gỡ những người đồng hương. Từ Phúc Kiến, Triều Châu đến Hải Nam, mỗi vùng đều có một hội quán như vậy.

Sau này, nhiều chỗ được cải tạo lại thành chùa để thờ Phật Quan Âm, bà Thiên Hậu hay Võ tướng Quan Vân Trường. Nhưng dù là chùa hay hội quán, tất cả đều có chung đặc điểm là được trang trí rất cầu kì, bắt mắt. Bên trong cũng được đầu tư vô cùng công phu, với thiết kế thoáng mát, sân vườn và nội thất khảm xà cừ lộng lẫy.

Hội quán Triều Châu
Advertisements

2. Làng nghề thủ công ở Hội An

Bên cạnh khu phố cổ, Hội An còn được biết đến nhờ vào những ngôi làng thủ công truyền thống. Đã từng có rất nhiều ngôi làng như thế tồn tại ở cảng thị này. Nhưng do sự phát triển của xã hội, các làng nghề dần phai nhạt rồi biết mất theo dòng thời gian. Hiện tại chỉ còn lại một vài làng còn lưu giữ được nét đẹp truyền thống này. Trong đó, phải kể đến Làng lụa Hội An và Làng gốm Thanh Hà.

2.1 Làng lụa Hội An

Lướt qua những chiếc đèn lồng hay những tiệm may ở Hội An, ta có thể thấy tơ lụa là một phần không thể thiếu của cảng thị này. Trong suốt nhiều thế kỉ, nơi đây được xem là đầu mối cung cấp lụa trên Con đường Tơ lụa Đường thủy. Vào thời vàng son, đã từng có hàng chục làng sản xuất như thế mọc lên quanh Hội An. Tuy nhiên, do nhu cầu sụt giảm và cạnh tranh từ bên ngoài, nên số lượng làng lụa ngày một giảm.

May thay, Làng lụa Hội An đã được mở ra nhằm bảo tồn nghề dệt lụa đã từng rất phát triển ở cảng thị sầm uất này. Chỉ cách trung tâm phố cổ khoảng 1 km, đây là nơi lưu giữ các nguồn gen quý giá về dâu tằm và giống tằm. Đồng thời, Làng lụa Hội An cũng cho phép du khách hiểu thêm về nghề nuôi tằm, ơm tơ, dệt lụa đã có truyền thống lâu đời ở xứ Quảng.

Những sợi tơ lấp lánh

2.2 Làng gốm Thanh Hà

Cũng như tơ lụa, gốm sứ là một phần bản sắc của Hội An. Nó không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà còn là công cụ kiếm sống của nhiều người. Do đó, nhiều nghệ nhân đã ra sức bảo tồn và giữ lửa nghề truyền thống này. Và Thanh Hà là một trong những làng gốm được lưu giữ tốt nhất.

Gốm sứ Thanh Hà là một phần bản sắc của phố Hội.

Cách phố cổ tầm 2 km, làng nghề này được hình thành vào thế kỉ 15. Nhưng nó chỉ được biết đến khi các nghệ nhân được triệu vào Huế để trang trí cho cung điện. Kể từ đó, danh tiếng Làng gốm Thanh Hà ngày một vang xa. Ngày nay, làng nghề này vẫn cho ra đời các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. Về đây, ta được ngắm nhìn những hũ, niêu, sạp, tượng được tạo nên từ những đôi tay của người thợ làm đất nung. Họ đã thổi hồn vào đất, đem lại cuộc sống cho những vật liệu vô tri.

Trong khuôn viên làng gốm còn có Công viên Đất nung nơi tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật làm từ đất. Đây cũng là nơi truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ tạo hình và nghệ nhân trong làng.

Advertisements
Advertisements

Leave a ReplyCancel reply