Sunrise on the moat surrounding Angkor Thom

Quần thể Angkor: Dấu ấn của một vương triều vĩ đại

Với vô số đền đài, tượng đá và hoa văn được chạm trổ tinh xảo, quần thể Angkor là minh chứng cho một nền văn minh cực kì phát triển. Đây từng là trung tâm văn hóa và chính trị của đế chế Khmer trong suốt ba thế kỉ. Ngày nay, nó đã trở thành một kì quan của thế giới và là niềm tự hào của đất nước Campuchia.

n mình trong những cánh rừng nhiệt đới của tỉnh Siem Reap, phía Bắc Campuchia, quần thể Angkor là một trong những công viên khảo cổ quan trọng bậc nhất ở Đông Nam Á. Toàn bộ khu vực rộng trên 400 km2, với vô số công trình lớn nhỏ. Angkor (ប្រាសាទអង្គរ), theo người dân địa phương, là hiện thân cuả núi Meru.

Trong Ấn Độ giáo, đó là ngọn núi thiêng nơi những vị thần sinh sống. Chính vì thế mà quần thể này mang một ý nghĩa tôn giáo đặc biệt quan trọng, thu hút hàng chục nghìn người hành hương mỗi năm. Angkor cũng được đánh giá rất cao về mặt kiến trúc và khảo cổ học. Tất cả công trình ở đây đều được tạo nên bởi trí tuệ và sự khéo léo của người Khmer.

1. Angkor Wat

Tôi đã thật sự choáng ngợp khi lần đầu trông thấy những tòa tháp của Angkor Wat (អង្គរវត្) sừng sững mọc lên giữa rừng già. Nó mang một vẻ đẹp kì vĩ nhưng cũng không kém phần huyền bí. Được xây dựng vào đầu thế kỉ 12 bởi vua Suryavarman II, ngôi đền là nơi thờ thần Vishnu – một trong ba vị thần tối cao trong đạo Hindu. Toàn bộ ngôi đền rộng đến hơn 162 ha, khiến nó trở thành công trình tôn giáo lớn nhất hành tinh. Có lẽ vì thế mà nó được đặt cái tên Angkor Wat, nghĩa là “Thành phố của những ngôi đền”.

Thời vàng son của Angkor Wat chỉ kéo dài vỏn vẹn vài thập kỉ. Vào cuối thế kỉ 12, người Khmer đại bại trước cuộc tấn công của quân Chămpa, và Angkor Wat đã bị tàn phá. Ngôi đền chỉ được khôi phục lại sau khi vua Jayavarman VII phục hưng đế quốc. Nhưng vị vua này lại tin vào Đức Phật. Chính vì thế mà Angkor Wat từ một trung tâm tín ngưỡng Ấn Độ giáo dần chuyển sang Phật giáo và tiếp tục cho đến ngày nay.

Hào nước lớn bảo vệ Angkor Wat
Hành lang bao quanh quần thể tháp chính

Kiến trúc đền Angkor Wat

Về cơ bản, đền Angkor Wat bao gồm năm tháp chính được sắp xếp theo dạng ngũ chiếu. Những kiến trúc sư Khmer đã xây chính xác đến mức, nếu nhìn từ bất kì hướng nào ta sẽ lầm tưởng chỉ có ba tháp. Chỉ khi vào được khu chính điện thì ta mới nhận ra có năm tháp.

Bao bọc xung quanh chính điện là những hành lang chứa đầy bích họa. Tất cả đều được chạm khắc cực kì sống động và tinh tế. Ngoài cùng là một lớp tường thành bảo vệ và một hào nước lớn. Chính nhờ hào nước này mà đền Angkor Wat ít bị xâm lấn bởi tự nhiên hơn những ngôi đền khác trong quần thể Angkor.

Quần thể tháp chính của Angkor Wat
Bình minh ở Angkor Wat
Advertisements

2. Angkor Thom

Sau khi vua Jayavarman VII giành lại vương quốc từ tay quân Chămpa, ông đã lập nên một thủ đô và đền thờ mới cách Angkor Wat vài cây số về phía Bắc. Thành phố này được đặt tên là Angkor Thom (អង្គរធំ), có nghĩa là “Thành phố Vĩ đại”. Đây là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử đế chế Khmer, kéo dài gần 300 năm.

Tương tự như kinh thành Huế, Angkor Thom cũng được xây theo hình vuông, với bốn mặt gần như bằng nhau. Toàn bộ diện tích rộng hơn 9 km2, bao gồm nhiều đền đài cung điện. Ở thời kì hưng thịnh, thành phố này là nơi sinh sống của hơn một triệu dân. Cũng như Angkor Wat, Angkor Thom được bảo vệ bởi một lớp tường thành và một hào nước lớn. Tuy nhiên, hào nước này đã không ngăn được bước tiến của tự nhiên. Nhiều khu vực trong thành phố đã được phủ xanh hoàn toàn. Chỉ còn một vài đền đài, cung điện vẫn còn đứng vững. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến ngôi đền Bayon.

Đường đến Angkor Thom

Đền Bayon

Nằm ở trung tâm của quần thể Angkor Thom là đền Bayon, nơi giao nhau giữa Trời và Đất. Ngôi đền được xây dựng vào khoảng thế kỉ thứ 13. Và nó từng là một trong những ngôi đền Phật giáo quan trọng nhất của đế chế Khmer. Ngôi đền nổi tiếng với 216 gương mặt Phật mang nụ cười bí ẩn.

Tất cả đều rất sống động, chứng tỏ tay nghề rất cao của những người thợ điêu khắc. Một số học giả cho rằng những gương mặt đó là của Quán Thế Âm. Một số khác lại đồn đoán rằng đấy là gương mặt của vua Jayvarman VII, vị vua được tôn sùng nhất trong lịch sử Campuchia.

Đền Bayon ở trung tâm Angkor Thom
Những gương mặt cười ở đền Bayon
Hoàng hôn ở đền Bayon
Advertisements

3. Ta Prohm

Chỉ cách Angkor Thom hơn 1km là Ta Prohm ( ប្រាសាទតាព្រហ្ម) – ngôi đền bị “nuốt chửng” bởi rừng xanh. Nơi này từng là tu viện hoàng gia và nó cũng được xây dựng dưới thời vua Jayavarman VII. Tuy nhiên, ngôi đền có phần kém may mắn hơn Angkor Wat hay Bayon. Trong suốt nhiều thập kỉ, nó đã chịu tổn thất nặng nề bởi chiến tranh. Đặc biệt là cuộc chiến với quân Xiêm vào cuối thế kỉ thứ 13 đã khiến Ta Prohm chỉ còn là một đống đổ nát. Sau đó, khi đế chế Khmer sụp đổ vào cuối thế kỉ 15 thì Ta Prohm hoàn toàn rơi vào quên lãng.

Theo thời gian, rừng già đã hồi sinh Ta Prohm theo một cách rất khác biệt. Những cây tung, cây Knia trăm tuổi với rễ dài hàng chục mét đã vươn lên từ bức tường của tu viện xưa. Dây leo quấn quanh hành lang, cổng vào tạo nên một cảm giác hoang sơ, đầy bí hiểm. Có thể nói, Ta Prohm trông không khác gì so với lúc nó được tìm ra bởi những nhà thám hiểu châu Âu vào những năm 1800. Nhưng thật thú vị, chính cái nét điêu tàn, vẻ đẹp đậm dấu ấn thời gian đó lại là điểm hấp dẫn của ngôi đền này.

Lối vào đền Ta Prohm
Ta Prohm

Kinh nghiệm du lịch quần thể Angkor

  • Để tham quan các ngôi đền trong quần thể Angkor, bạn cần phải có Angkor Pass. Lưu ý là các tờ tiền phải thẳng, không nhàu nát. Bạn nên mua vé trước một ngày để tránh việc xếp hàng vào sáng sớm.
  • Bạn phải luôn giữ Angkor Pass bên mình khi tham quan. Pass sẽ được check tại tất cả các ngôi đền chính. Bạn sẽ bị phạt tiền, nếu bị kiểm tra mà không xuất trình được vé.
  • Quần thể Angkor rất rộng, bạn nên sử dụng Tuk Tuk để di chuyển giữa những ngôi đền. Giá tầm 10-15$ cho một xe trong vòng một ngày. Hoặc taxi với giá 35$/ngày.
  • Một hoạt động khác mà bạn có thể cân nhắc khi đến Siem Reap đó xem vở diễn của đoàn xiếc Phare. Đây là một màn trình diễn đáng xem, với những màn nhảy múa và nhào lộn đẹp mắt. Nội dung cũng không quá khó hiểu và luôn có phụ đề bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Thêm vào đó tiền bán vé sẽ được quyên tặng cho cô nhi viện nơi hầu hết diễn viên xiếc của đoàn đều xuất thân từ đó.
Advertisements
Advertisements

5 thoughts on “Quần thể Angkor: Dấu ấn của một vương triều vĩ đại”

  1. Bài rất hay, ảnh tuyệt đẹp. Chỗ này lý tưởng nhất là vào tháng 12 hay tháng 1. Tránh tháng 3, 4 vì nóng kinh hồn.

    1. Dạ đúng ạ. Cháu đi cuối tháng 4 đầu tháng 5. Chỉ đi từ lúc mặt trời chưa mọc cho đến khoảng 8 AM rồi về thôi. Đến tầm 9 AM thì nóng như trong sauna luôn 🙂

Leave a ReplyCancel reply