Saigon before the pandemic

Sài Gòn và những mảnh ghép kiến trúc

Từ thời kì Pháp thuộc, rồi qua những năm tháng chiến tranh, cho đến ngày hôm nay, kiến trúc Sài Gòn vẫn liên tục phát triển. Mỗi thời kì dường như đã để lại dấu ấn trên thành phố này. Biến nó thành một bức tranh ghép được tạo nên bởi nhiều phong cách kiến trúc.

Sài Gòn những ngày qua thật xa lạ với tôi. Nó quá tĩnh lặng, hoàn toàn toàn trái ngược với thành phố mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Những con đường đông đúc giờ đây đã trở nên thưa vắng. Hàng quán, chợ búa, ngay cả những công trường lúc nào cũng rực rỡ ánh đèn giờ đây cũng chỉ còn là những mảng màu đen. Chủng virus Delta thực sự đã khiến một thành phố tưởng chừng như không bao giờ ngủ chìm vào bóng đêm.

Nhìn ra cửa sổ, tôi tự hỏi điều gì có thể tượng trưng cho đô thị phương Nam? Điều gì khiến Sài Gòn khác biệt so với những nơi khác? Nền ẩm thực đường phố luôn sôi động và đầy quyến rũ ư? Hay là sự náo nhiệt của đời sống phố thị? Những thứ đó dường như đã không còn nữa, ít nhất là trong lúc này.

Trong những ngày này, điều duy nhất có thể đại diện cho Sài Gòn chính là những biểu tượng kiến trúc. Từ những bức tường gạch đỏ của Nhà thờ Đức Bà cho đến tòa tháp búp sen Bitexco, chúng vẫn đứng vững trong thời điểm bão giông này. Mỗi công trình mang một phong cách kiến trúc khác nhau, thể hiện một thời kì ở thành phố luôn đổi thay này.

Mỗi công trình đại diện cho một thời kì.

1. Kiến trúc Pháp ở Sài Gòn

Để cạnh tranh với những thuộc địa của Anh như Hồng Kông hay Singapore, người Pháp đã phát triển Sài Gòn trở thành một trung tâm kinh tế và văn hóa. Một loạt cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được xây dựng. Ví dụ như bến cảng, nhà băng, dinh thự, v.v…. Vô số nhà hàng, khách sạn và những tụ điểm giải trí cũng theo đó mà mọc lên. Thời bấy giờ, thành phố được biết đến với cái tên La Perle de l’Extrêm Orient, hay Hòn Ngọc Viễn Đông.

Theo dòng chảy của thời gian, nhiều kiến trúc Pháp đã xuống cấp và bị phá bỏ. Tuy nhiên, một vài công trình vẫn được giữ nguyên. Thậm chí công năng cũng không hề thay đổi. Ví dụ như Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn hay Nhà hát Thành Phố. Một vài chỗ khác thì được chuyển đổi thành viện bảo tàng, như Dinh Độc lập, dinh Phó Toàn Quyền, hay Bảo tàng Mỹ thuật.

Một góc đường Đồng Khởi (trước đây là đường Catinat)
Hotel Continental trên đường Đồng Khởi
Grand Hotel cũng rất đậm chất Pháp
Một biệt thự kiểu Pháp ở quận 3

1.1 Nhà thờ Đức Bà

Tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà vẫn luôn là một biểu tượng của thành phố. Lúc đầu, nhà thờ được mở để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của thực dân Pháp. Nhưng theo thời gian, nơi đây dần trở thành nhà của cộng đồng Thiên chúa giáo ở Sài Gòn. Năm 1962, Vatican đã thăng vị nhà thờ lên Vương cung Thánh đường. Nhưng phần lớn người dân Sài Gòn vẫn gọi nơi đây bằng cái tên thân thuộc, Nhà thờ Đức bà.

Hoàn thành vào năm 1880, Nhà thờ Đức Bà kết hợp phong cách La Mã và Gothic. Công trình này nổi bật với vẻ ngoài bằng gạch đỏ. Điểm xuyết trên đó là những ô cửa sổ trắng được chạm khắc tinh xảo. Điểm nhấn của nhà thờ chính là hai tòa tháp chuông cao 60m. Phía trước nhà thờ còn có một khu vườn xinh đẹp nơi đặt tượng Đức Bà Hòa Bình vào năm 1959. Tất cả vật liệu để xây dựng nhà thờ đều được nhập từ Pháp. Bao gồm cả loại gạch đỏ siêu bền từ Toulouse.

Advertisements

1.2 Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

Ngay cạnh nhà thờ là Bưu điện Trung tâm Sài Gòn – một kiến trúc đậm chất châu Âu hoàn thành vào năm 1891. Đây là tác phẩm của Alfred Foulhoux, một trong những kiến trúc sư Pháp đầu tiên ở Đông Dương. Nhưng nhiều người lại nhầm lẫn tác giả là Gustav Eiffel, cha đẻ của tháp Eiffel nổi tiếng.

Cảm tưởng như đang ở một ga tàu châu Âu hồi đầu thế kỉ 20.

Bưu điện sở hữu một vẻ ngoài cổ điển, với tường màu vani và những khung cửa sổ màu lục. Nó tương phản với những đường viền trắng và họa tiết trang trí thời kì Phục Hưng. Một chiếc đồng hồ khổng lồ được đặt ngay chính giữa lối vào. Bên trên là tượng thần Mercury, vị thần La Mã của thư tín và thông tin liên lạc. Phần nóc nhà được trang trí bởi một vài bức tượng Naga, thêm màu sắc Á châu cho công trình này.

Bước vào bên trong, tôi có cảm tưởng như mình đang dịch chuyển về một ga tàu châu Âu hồi đầu thế kỉ 20. Với mái vòm cao được đỡ bằng những thanh xà và cột trụ bằng sắt. Tuy mang dáng vẻ hoài cổ, Bưu điện Trung tâm vẫn cung cấp đủ tất cả các dịch vụ thư tín. Từ gửi thư, gửi hàng đến bán tem và các loại văn phòng phẩm khác.

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

1.3 Dinh Phó Toàn Quyền

Một tuyệt tác khác của Alfred Foulhox ở Sài Gòn chính là Dinh Phó Toàn Quyền (hay dinh Gia Long). Hoàn thành vào năm 1890, công trình này ban đầu được xây để làm một trung tâm triển lãm. Nó được thiết kế với hai tầng lầu và một khu vườn rộng lớn. Nhưng không lâu sau đó, nơi này đã trở thành chỗ ở của Phó Toàn quyền.

Sau khi người Pháp rút quân, dinh thự này trải qua một thời kì sóng gió. Nó đã đổi chủ nhiều lần. Từ Toàn quyền Nhật Bản, Việt Minh, quân Đồng Minh đến Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cái tên Gia Long là do Vua Bảo Đại đặt trước khi ông bị phế truất vào năm 1955. Ngày nay, công trình đã trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nơi lưu giữ những hình ảnh và hiện vật của Sài Gòn xưa.

Về mặt kiến trúc, công trình này theo phong cách Baroque cổ điển. Đặc trưng bởi những hàng cột to nhỏ, gợi nhớ hình ảnh của những cung điện của Hoàng đế Louis XIV. Phần sảnh chính, hành lang và cầu thang cũng theo phong cách này. Nhưng riêng phần mái lại theo hướng châu Á. Tiêu biểu như những phù điêu pha trộn Á Âu ở mặt trước và phần viền của mái nhà. Chúng không những tạo điểm nhấn, mà còn làm giảm sự đơn điệu cho toàn công trình.

Dinh Phó toàn quyền Sài Gòn (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Lối vào theo phong cách Baroque của dinh Phó toàn quyền

1.4 Tòa Thị Chính

Được biết đến dưới tên chính thức là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, công trình này là một ví dụ tiêu biểu của kiến trúc Pháp tại Sài Gòn. Nó được mô phỏng theo Tòa Thị chính Paris, với kiến trúc đối xứng qua một trục chính là tòa tháp đồng hồ.

Tòa Thị Chính được trang trí rất cầu kì với phù điêu và hoa văn cực kỳ tinh xảo. Trên mặt trước của công trình còn có khắc ba bức tượng đại diện cho Tự do, Bình đẳng và Bác Ái – khẩu hiệu quốc gia của Cộng hòa Pháp. Tòa thị chính được xây vào năm 1897. Nhưng phải đến 12 năm sau công trình phức tạp này mới được hoàn thành.

Advertisements

1.5 Nhà hát Thành phố

Cách Tòa thị chính vài bước chân là Nhà hát Thành phố. Nhà hát xa hoa này được xây vào năm 1894 để phục vụ nhu cầu giải trí của thực dân Pháp tại Sài Gòn. Tuy nhiên, chỉ một vài vở hòa nhạc và cải lương được diễn ra trong khán phòng 500 chỗ này. Nhà hát bị không kích trong Thế chiến II khiến phần mái bị sập. Sau đó, nó được sửa lại và trở thành nghị trường trong suốt ba thập kỉ tiếp theo. Kể từ sau năm 1975, nhà hát mới trở lại với công năng cũ của nó.

Tuy có phần nhỏ hơn Nhà hát Hà Nội, Nhà hát Thành phố vẫn rất đặc biệt. Mặt tiền của nhà hát được thiết kế giống như Petit Palais ở Paris, với cổng vòm tinh tế được trang trí bởi họa tiết hình hoa nhẹ nhàng. Trên đỉnh của cổng vòm có đặt tượng Muse – vị thần Hy lạp của thơ ca và nghệ thuật. Hai bên cổng chính là cửa số lớn được viền trắng và trang trí bởi vòng nguyệt quế. Những họa tiết, chữ chạm khắc, hay đồ nội thất đều được làm bởi nghệ nhân Pháp hay nhập khẩu từ châu Âu.

1.6 Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố

Nằm khuất trên một con đường rợp bóng cây ngay gần chợ Bến Thành, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố là một trung tâm văn hóa ở Sài Gòn. Nơi đây lưu giữ một trong những bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng nhất của cả nước. Từ tượng điêu khắc, tranh vẽ, tranh sơn mài, hay gốm sứ, tất cả đều được trưng bày tại đây. Chúng được làm bởi những nghệ sĩ tài hoa trong nước và khu vực. Bên cạnh đó, ở đây còn lưu giữ những cổ vật vô giá có niên đại đến hơn 1600 năm.

Bản thân viện bảo tàng cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Được xây vào đầu những năm 1930, biệt thự phong cách Art Deco này từng là nhà của Hứa Bổn Hòa. Đây là một trong những doanh nhân người Hoa thành đạt nhất Sài thành lúc bấy giờ. Căn nhà theo dạng chữ U, đặc trưng bởi sảnh chờ rộng rãi và những cột trụ hoàng tráng. Kèm theo đó là những ban công thép uốn và cửa kính màu đậm chất châu Âu.

Một vài yếu tố châu Á cũng được khéo léo thêm vào. Ví dụ như mái nhà gạch đỏ, gốm men xanh để trang trí và tạo điểm nhấn. Hay là chữ Hoa cách điệu được chạm khắc trên mặt tiền của tòa nhà. Thêm vào đó, đây là công trình đầu tiên ở Sài Gòn có gắn thang máy. Thang máy được làm bằng sắt và thiết kế như một chiếc kiệu Trung Hoa.

Bản thân viện bảo tàng cũng là một tác phẩm nghệ thuật.

Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố
Mặt tiền tuyệt mỹ của Bảo tàng Mỹ thuật

1.7 Ngân hàng Đông Dương

Ngoài khu vực trung tâm một chút là Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sài Gòn). Đây là một ví dụ điển hình cho phong cách kiến trúc pha trộn Á Âu. Ngân hàng có vẻ ngoài bề thế, với hàng cột đá vuông vức bọc xung quanh tòa nhà. Phần mái thì ngược lại, mang đậm màu sắc Á châu. Nó được trang trí với phù điêu và họa tiết lấy cảm hứng từ văn hóa Khmer.

Mặc dù được xây vào năm 1930, ngân hàng lại mang hơi hướng của phong cách kiến trúc hiện đại, rất thịnh hành ở Sài Gòn trong những giai đoạn sau. Chính vì thế, Ngân hàng Đông Dương thường được xem là một trong những công trình đầu tiên ở Sài Gòn được “địa phương hóa”.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sài Gòn
Chi tiết lấy cảm hứng từ văn hóa Khmer trên nóc ngân hàng
Họa tiết sách uốn ở cổng vào của ngân hàng
Advertisements

2. Kiến trúc Trung Hoa ở Sài Gòn

Nếu kiến trúc thời kì Pháp thuộc có thể dễ dàng bắt gặp ở những tuyến phố trung tâm, kiến trúc Trung Hoa có phần khó nhận ra hơn. Chúng chủ yếu tập trung ở một vài cụm dân cư, đền chùa và một vài tuyến phố trong Chợ Lớn (Quận 5). Sài Gòn ngày nay thực chất là sự kết hợp của hai thành phố xưa: Sài Gòn và Chợ Lớn. Người Việt sinh sống ở Sài Gòn, trong khi Chợ Lớn là nơi cư ngụ của người Hoa từ khoảng cuối thế kỉ 17. Phần lớn họ đến từ các tỉnh như Quảng Châu, Phúc Kiến, Triều Châu, Đài Loan hay Hải Nam. Khi di cư, họ đem theo tài sản, kiến thức và tập tục đến vùng đất phương Nam.

Điều này dẫn đến việc vô số cửa hàng, nhà hàng Trung Hoa và tụ điểm giải trí mọc lên khắp nơi trong Chợ Lớn. Và cũng giống như Hội An, những hội quán dần được lập nên để đồng hương gặp gỡ trao đổi thông tin với nhau. Ngày nay, nhiều hội quán đã được cải tạo lại thành chùa để thờ Phật Quan Âm, bà Thiên Hậu hay Võ tướng Quan Vân Trường. Nhưng dù là chùa hay hội quán, tất cả đều có chung đặc điểm là được trang trí rất cầu kì, bắt mắt. Bên trong cũng được đầu tư vô cùng công phu. Với thiết kế thoáng mát, sân vườn và nội thất khảm xà cừ lộng lẫy.

On Lang Temple – one of the most popular Chinese temples in Saigon
Một khu nhà của người Hoa ở Sài Gòn
Advertisements

3. Kiến trúc hiện đại

Những năm sau khi thực dân Pháp rút quân, Sài Gòn chứng kiến sự trỗi dậy của phong cách kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, không giống như kiến trúc của những giai đoạn trước chủ yếu là bắt chước của phương Tây, các công trình ở thời kì này mang nét đặc trưng của Việt Nam.

Những kiến trúc sư Việt được đào tạo ở những trường nghệ thuật trong và ngoài nước đã phát triển một xu thế hiện đại, nhưng vẫn đậm chất Việt. Họ kết hợp đường nét, văn hóa Việt Nam với kiến trúc phương Tây. Kèm theo đó là cải tiến thiết kế để thích ứng với khí hậu nhiệt đới của Sài Gòn. Kết quả là những công trình hiện đại, tinh tế, không thua kém gì nước ngoài. Nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của những chủ nhân người Việt.

3.1 Dinh Độc lập

Chiếm lĩnh một diện tích rộng lớn ở trung tâm Sài Gòn, dinh Độc lập có lẽ là kiến trúc hiện đại được tham quan nhiều nhất. Dinh được xây trên vị trí của dinh Norodom, nơi ở của Toàn quyền Đông Dương. Vào năm 1962, dinh cũ đã bị bom làm hư hại, không thể phục hồi được. Chính vì thế Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng lại một dinh thự mới bề thế hơn. Ông đã giao cho kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng danh giá Grand Prix de Rome của Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris – phụ trách công trình này.

Dinh Độc lập đặc trưng bởi những nét thẳng mạnh mẽ.

Dinh thự mới hoàn thành sau hai năm, bao gồm 95 phòng, hai tầng trệt, một sân thượng, và một tầng hầm. Nó theo phong cách kiến trúc hiện đại, với đầy những nét thẳng mạnh mẽ. Để công trình gần gũi với văn hóa Việt, kiến trúc sư đã thêm vào một “tấm rèm” ở tầng trên của dinh. Nó gợi nhớ hình ảnh của những đốt tre – một loại cây rất thân quen với người Việt. Ngoài lí do thẩm mỹ, tấm rèm bằng đá này còn có tác dụng đem lại bóng mát cho dinh thự, mà không hoàn toàn chắn sáng.

Tuy mang vẻ ngoài hiện đại, dinh Độc lập lại được xây dựng hoàn toàn dựa trên triết lý Á Đông. Kiến trúc sư đã khéo léo kết hợp kí tự truyền thống vào trong thiết kế. Ví dụ như toàn bộ dinh thự có hình dạng chữ “吉” (Cát). Hoặc những nét chính trên mặt tiền tạo nên chữ “王” (Vương). Ngoài ra còn có một hồ sen chạy dọc theo mặt tiền, đem lại phong thủy tốt cho dinh thự.

Dinh Độc lập
Advertisements

4. Sài Gòn thế kỉ 21

Cũng giống như những đô thị lớn ở châu Á, Sài Gòn thế kỉ 21 đặc trưng bởi những tòa nhà chọc trời. Thành phố trông chẳng khác gì một đồ thị âm hình, với những khối nhà nhấp nhô san sát nhau. Thiết kế mới lạ, không theo khuôn khổ là đặc điểm của thời kì nay, với xi măng, sắt thép và kính là những vật liệu xây dựng chính. Đã qua rồi cái thời của những phù điêu và họa tiết trang trí cầu kì. Thay vào đó, là những đường thẳng và đường cong mạnh mẽ, hiện đại.

Tôi còn nhớ mình đã háo hức thế nào khi được bố mẹ cho đi chơi “33 tầng” – một trong những tòa nhà chọc trời đầu tiên ở Sài Gòn. Cao 150m, tòa tháp này có tên chính thức là Saigon Trade Center. Nó bao gồm 33 tầng nên vì thế mà được gọi là “33 tầng”. Tòa nhà được xây vào năm 1997, ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nó vươn lên mạnh mẽ giữa trung tâm thành phố như một biểu tượng của sự phát triển.

Cùng với sự phát triển của thành phố, chiều cao của những công trình cũng tăng lên. Saigon Trade Center giờ đây đã trở nên nhỏ bé so với những đàn em của nó. Ví dụ như Bitexco lấy cảm hứng từ búp sen đang nở đã cao đến 262m. Hay gần đây nhất là Landmark 81 cao 461m. Nó trông sừng sững như một bụi tre ở phía Đông thành phố. Và tôi chắc rằng cuộc đua lên bầu trời sẽ còn tiếp tục với sự trỗi dậy của những công trình cao hơn và độc đáo hơn.

Thành phố tựa như một đồ thị âm hình.

Sài Gòn về đêm (nhìn từ Thủ Thiêm)
Landmark 81 – Vietnam’s tallest building

Những mảnh ghép đối lập

Nhưng thật đáng tiếc, cuộc đua trên không trung diễn ra ráo riết chừng nào. Thì bên dưới, những vẻ đẹp xưa cũ lại bị lãng quên nhanh chừng ấy. Ngoại trừ một vài địa điểm tham quan, nhiều di sản kiến trúc đã bị dẹp bỏ để nhường chỗ cho những siêu thị hay chung cư cao cấp. Nhưng đâu nhất thiết phải như vậy. Cũ và mới vẫn luôn có chỗ trong một Sài Gòn cởi mở và phóng khoáng…

Advertisements
Advertisements

2 thoughts on “Sài Gòn và những mảnh ghép kiến trúc”

  1. Ảnh lộng lẫy quá Len. Cám ơn cháu. Sài Gòn thêm đẹp bội phần qua góc nhìn của cháu. Rồi Sài Gòn sẽ hết bệnh, sẽ hoạt động trở lại. Chúc cháu và gia đình an lành.

    1. Cháu cảm ơn cô Tám. Dạ cũng hi vọng Sài Gòn sớm khỏe lại. Vaccine thì cũng chích được kha khá rồi. Nhưng chắc sớm nhất cũng phải tháng 10 may ra mới hoạt động lại.
      Mà cũng thật khó hiểu. Trước đây lúc nào cũng than phiền cái đông đúc, ồn ào của Sài Gòn. Nhưng giờ lại thấy thiếu vắng 🙂

Leave a Reply Cancel reply