The throne room of Joseon Kings, Gyongbokgung

Seoul và những dấu ấn của triều đại Joseon

Đối với nhiều du khách, Seoul được biết đến như một siêu đô thị với những tòa nhà chọc trời và cơ sở hạ tầng hiện đại. Thành phố là trung tâm kinh tế và chính trị của Hàn Quốc. Đồng thời, cũng là cái nôi của các xu thế như Hallyu hay K-pop. Tuy nhiên, ẩn bên dưới lớp vỏ bọc hiện đại đó là 600 năm lịch sử và một nền văn hóa lâu đời. Những giá trị này tồn tại song song với lối sống đô thị hiện đại, tạo thành nét đặc trưng của Seoul hôm nay.

Hình thành vào khoảng năm 18 Trước Công Nguyên, Seoul bấy giờ được biết đến dưới cái tên Wiryesong (위례성), thủ đô của vương quốc Baekje cổ đại. Đến thế kỉ 11, khi Goryeo đánh bại các vương quốc lân cận và thống nhất bán đảo Triều Tiên, thành phố được đổi tên thành Namgyeong (남경) hay “kinh đô ở phía Nam”.

Vào triều đại Joseon, Seoul chính thức trở thành thủ đô của Triều Tiên. Người ta biết đến nó dưới cái tên Hanyang (한양), sau đó là Hanseong (한성), nghĩa là “Pháo đài trên dòng sông Hán”. Cũng trong thời kì này, Gyeongbokgung – cung điện tráng lệ nhất Hàn Quốc – đã được xây dựng.

1. Gyeongbokgung

Được xây dựng vào năm 1395, chỉ ba năm sau khi vương triều Joseon được thành lập, Gyeongbokgung (경복궁) hay Cung Cảnh Phúc là cung điện chính của các vị Vua Triều Tiên. Cung điện nằm ở khu vực phía Bắc thành phố, lưng tựa vào dải núi Bugaksan.

Khi cuộc Chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên (1592-1598) nổ ra, một phần của cung điện đã bị hỏa hoạn thiêu rụi. Cung điện bị bỏ hoang trong suốt 270 năm tiếp theo cho đến khi Hoàng tử Heungseon quyết định khôi phục lại biểu tượng một thời của hoàng gia Triều Tiên.

Gyeongbokgung được núi Bugaksan chắn phía sau
Gwanghwamun – Lối vào chính của cung điện
Đại điện – nơi vua quan Joseon thiết triều

Niềm tự hào của Triều Tiên

Với diện tích trên 430,000 m², Gyeongbokgung là cung điện đồ sộ nhất trong năm cung điện của triều đại Joseon. Nó bao gồm hơn 330 căn nhà và được ví như một bản sao thu nhỏ của Tử Cấm Thành. Các kiến trúc sư đã kết hợp giữa những nguyên tắc kiến trúc của Trung Hoa và bản sắc của Triều Tiên để xây nên công trình có một không hai này. Đối vời người Triều Tiên, Gyeongbokgung chính là một nét son trong lịch sử và là niềm tự hào dân tộc. Trớ trêu thay, cũng chính vì lí do đó mà cung điện đã bị phá hủy hoàn toàn khi Đế quốc Nhật xâm lược Triều Tiên vào đầu thế kỉ 20.

Khi chiến tranh đã lùi xa, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cho khôi phục lại Gyeongbokgung. Khoảng 50% số lượng nhà cửa trong khuôn viên cung điện đã được xây dựng lại, bao gồm Gwanghwamun – cổng vào chính của cung điện và Heungnyemun – cổng vào vòng thành thứ hai. Tuy nhiên, sẽ mất ít nhất 20 năm nữa để cung điện Gyeongbokgung có thể trở lại nguyên trạng.

Kinh nghiệm tham quan Gyeongbokgung

  • Để đến Gyeongbokgung, đi Metro 3 đến trạm Gyeongbokgung. Bạn cũng có thể đi Metro 5 đến Gwanghwamun rồi đi bộ qua quảng trường để đến cung điện.
  • Vé vào cửa cung điện là 3000 ₩. Tuy nhiên, nếu mặc hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) thì sẽ được miễn vé vào cửa.
  • Nghi thức đổi gác của Ngự lâm quân diễn ra vào đầu mỗi giờ, bắt đầu lúc 10:00 và kết thúc lúc 15:00.
Advertisements

2. Làng cổ Bukchon Hanok

Vẻ đẹp cổ kính của Seoul không chỉ dừng lại ở Gyeongbokgung. Cách cung điện vài bước chân là khu làng cổ Bukchon Hanok nơi tái hiện lại phố thị Triều Tiên của 600 năm về trước. Tại đây, bạn sẽ bắt gặp hàng trăm ngôi nhà truyền thống, hay còn gọi là hanok, xây dựng dọc theo những con hẻm nhỏ.

Được xây vào triều đại Joseon, những ngôi nhà này là tiêu biểu cho kiến trúc Hàn Quốc những thế kỉ trước. Ngày nay, nhiều hanok đã được sửa sang lại thành nhà trọ, quán trà hay café để phục vụ du khách.

Một ngôi nhà hanok

Một số thông tin cần biết

  • Để đến Bukchon Hanok, đi Metro 3 đến trạm Anguk. Nếu đi từ Gyeongbokgung thì Bukchon Hanok nằm ở mặt phía Đông của cung điện.

3. Tường thành Seoul

Trong suốt triều đại Joseon, để bảo vệ cư dân sinh sống trong thành, một bức tường đá cao đã được xây dựng xung quanh Seoul. Tường dài hơn 19km và chạy dọc theo bốn dãy núi: Bugaksan, Naksan, Namsan, và Inwangsan. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ, tường thành còn được sử dụng trong việc kiểm soát lượng người ra vào kinh thành.

Mặc dù thành phố Seoul đã phát triển vượt xa giới hạn của tường thành, 2/3 bức tường vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Sáu trên tám cổng thành cũng được giữ nguyên trạng. Bốn cổng lớn được đặt ở bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc và được đặt tên lần lượt là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Chúng thể hiện tinh thần của Khổng Giáo về bốn phẩm chất quan trọng của con người. Bốn cổng nhỏ hơn được đặt ở bốn hướng Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam và Tây Nam.

Đoạn tường thành qua núi Namsan
Dongdaemun
Cũ và mới cùng tồn tại ở thành phố Seoul

Một số thông tin cần biết

  • Trong số bốn cổng chính, Namdaemun (Nam Đại Môn) và Dongdaemun (Đông Đại Môn) là hai cổng nổi tiếng nhất. Chúng nằm trong trung tâm thành phố. Bạn có thể đến hai cổng này dễ dàng bằng Metro 1 và 4.
  • Seodaemun (Tây Đại Môn) đã bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn. Còn đường đi đến Sukjeongmun (Bắc Đại Môn) thì không mấy thuận tiện.
Advertisements
Advertisements
37.566535126.9779692

Leave a ReplyCancel reply