Được biết đến như đô thị năng động nhất Hàn Quốc, Seoul là cái nôi của những xu thế hiện đại. Tuy nhiên, thành phố này cũng rất trân trọng truyền thống và những giá trị xưa. Từ kiến trúc, ẩm thực đến văn hóa nghệ thuật, bạn có thể dễ dàng nhận thấy sự dung hòa giữa cái cũ và mới ở rất nhiều nơi tại Seoul. Tôi đã có dịp trải nghiệm sự kết hợp kì diệu này trong một buổi diễn có tên là “Shim Chong” – một tác phẩm của Hiệp Hội Di Sản Văn Hóa Hàn Quốc.
Dựa trên một truyện ngụ ngôn của Triều Tiên, “Shim Chong” kể về cuộc đời của một cô gái tên Shim Chong. Mẹ mất sớm, cô phải đi làm từ khi còn nhỏ để nuôi sống bản thân và người cha khiếm thị. Một ngày nọ, Shim Chong nghe được rằng thị lực của cha cô có thể được phục hồi nếu cô có thể cúng cho Phật 300 đấu gạo (43.000kg). Tuy nhiên, với hoàn cảnh của Shim Chong thì điều đó là không thể.
Ngay lúc đó, có một vài thủy thủ đang tìm mua một trinh nữ để hiến tế cho Long Vương. Họ sẵn sáng trả bất cứ giá nào, nếu có ai chịu đồng ý. Nghe được tin đó, Shim Chong liền chạy ngay đến chỗ các thủy thủ. Cô đồng ý đổi mạng để lấy 300 đấu gạo. Trước khi đi, cô nói dối với cha rằng mình đã được một nhà giàu nhận làm con nuôi. Họ sẽ cúng Phật 300 đấu gạo để làm quà tạ ơn. Khi ra đến giữa biển, Shim Chong gieo mình xuống nước và biết mất dưới những cơn sóng.
Sự trở lại của Shim Chong
Thương cho người con hiếu thảo, Long Vương đã lệnh cho người hầu đặt Shim Chong vào một đóa hoa sen và đưa cô trở lại mặt đất. Vô tình, đóa hoa đó lại trôi dạt vào gần chỗ nhà Vua đang đi săn. Nhà Vua lập tức yêu cô gái nở ra từ hoa sen và ngài đã đưa Shim Chong về cung điện để làm Hoàng hậu. Mặc dù được hưởng vinh hoa phú quý, Shim Chong vẫn không thể nào quên được người cha mù lòa. Trong lúc đó, người cha vẫn không thể nhìn thấy mặc dù 300 đấu gạo đã được cúng cho Phật. Và ông đã rất đau buồn khi biết chuyện con gái đã hi sinh để mình được sáng mắt.
Quyết tâm tìm bằng được cha, Hoàng hậu Shim Chong đã cho mở yến tiệc mời tất cả những người khiếm thị trong vương quốc. Khi yến tiệc bắt đầu, cô đã đi khắp các bàn tiệc để tìm cha nhưng vẫn không thấy. Đến ngày cuối cùng, khi tất cả hy vọng dường như sắp tan biến, Shim Chong bắt gặp một cụ già nghèo khổ và cô nhận ra đó chính là cha mình. Cả hai ôm nhau khóc, và ngay lúc đó phép màu đã xảy ra, người cha đã có thể nhìn thấy trở lại.
Nhận xét
Nhà sản xuất của “Shim Chong” đã khéo léo kết hợp tất cả các loại hình biểu diễn truyền thống của Hàn Quốc để dựng nên một đêm diễn nhiệm màu. Từ Buchaechum (múa quạt), Pansori (một dạng hát ả đào) đến Pungmul-nori (xiếc), có tổng cộng tám loại hình nghệ thuật đã được biểu diễn. Thêm vào đó, việc sử dụng media art để làm tăng hiệu ứng hình ảnh đã tạo nên sự khác biệt cho buổi diễn.
Trong suốt show diễn, nghệ sĩ chủ yếu dùng cử chỉ và gương mặt để truyền tải câu chuyện, do đó dù không biết tiếng Hàn thì khán giả vẫn có thể hiểu được. Nhìn chung, vở diễn “Shim Chong” đã thành công trong việc truyền tải truyền thống văn hóa Hàn Quốc, mà trong đó chữ “hiếu” được đặt lên hàng đầu.
Địa chỉ: Korea House. 10 Toegye-ro 36-gil, Pil-dong, Jung-gu (Metro 3 & 4: Chungmuro)
Website: http://www.koreahouse.or.kr/en/main
Mấy cô vũ công, cô nào cũng đẹp như tiên.