Paintings at Rainbow Village

Thành phố Đài Trung: Một điểm hẹn văn hóa

Khi nhắc đến du lịch Đài Loan, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Đài Bắc. Có nhiều lí do để Đài Bắc là điểm đến hấp dẫn, từ những công trình kiến trúc kì vĩ, những khu thương mại náo nhiệt đến ẩm thực độc đáo. Tuy nhiên, nếu có thời gian bạn nên ghé qua thành phố Đài Trung (臺中市) – một điểm đến thú vị dành cho những ai yêu thích văn hóa và nghệ thuật.

Mặc dù chỉ cách Đài Bắc khoảng 160km về phía Tây Nam, thành phố Đài Trung chỉ mới được biết đến như một địa điểm du lịch vài năm gần đây. Trước đây, thành phố này được biết đến như một thủ phủ công nghiệp nhẹ, với nhiều cơ sở sản xuất có từ thời kì thuộc địa.

Tuy nhiên từ cuối thế kỉ 20, Đài Trung đã phát triển trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng. Ngày nay, nó đã trở thành đô thị lớn thứ hai của đảo Đài Loan. Đồng thời, thành phố này cũng đang chứng tỏ mình là một địa điểm du lịch hấp dẫn, với nhiều công trình văn hóa nghệ thuật độc đáo.

1. Phố cổ Đài Trung

Thoạt nhìn, Đài Trung có vẻ là một thành phố công nghiệp đơn điệu. Khắp nơi là nhà máy và những tòa nhà chọc trời. Tuy nhiên, ở trung tâm của nó lại lưu giữ một nét đẹp xưa, với nhiều kiến trúc tồn tại từ thời Nhật. Rảo bước trên những con phố ở đây, tôi bắt gặp hình ảnh quen thuộc ở các khu phố châu Âu: những ngôi nhà với tường gạch đỏ, mái ngói đen, và những họa tiết trang trí cầu kì. Điều này hoàn toàn trái ngược với những kiến trúc đậm chất Trung Hoa ở phố cổ Vạn Hoa, Đài Bắc.

Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết đây là kiến trúc tiêu biểu của thời kì Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration). Một phong cách sao chép từ kiến trúc châu Âu. Nhằm mục đích biến thành phố Đài Trung thành kinh đô của đảo Đài Loan mà người Nhật đã xây dựng rất nhiều tại đây. Nhờ được bảo trì thường xuyên, mà những công trình này vẫn giữ được nguyên trạng. Một số khác được thiết kế lại nhưng vẫn giữ được nét đẹp xưa. Ngay cả, quy hoạch đường phố theo dạng bàn cờ cũng không hề bị thay đổi.

Advertisements

1.1 Ga xe lửa Đài Trung

Hành trình của tôi bắt đầu ở ga xe lửa, nơi từng là cửa ngõ để vào thành phố Đài Trung. Nhà ga này nổi bật với tường gạch đỏ, trần nhà cao và một tháp đồng hồ. Nhà ga được xây vào năm 1905 và mở rộng vào năm 1917.

Mãi cho đến năm 2016, khi nhà ga mới (nằm ở tầng trên của ga cũ) được hoàn thành, ga xe lửa Đài Trung mới dừng hoạt động. Mặc dù tàu không còn đi qua đây nữa, nhưng công trình này vẫn được người dân Đài Trung lưu giữ như một biểu tượng của quá trình công nghiệp hóa.

1.2 Công viên Đài Trung

Nằm cách ga Đài Trung khoảng 600m là công viên Đài Trung. Từ khi mở cửa vào năm 1903, công viên này đã trở thành điểm đến yêu thích của người dân thành phố. Ngoài những khoảng xanh dịu mát, công viên này còn sở hữu một khung cảnh hữu tình với hồ nhân tạo rộng hơn 13.000 m2.

Giữa hồ có đặt hai vọng lâu – một biểu tượng của thành phố Đài Trung từ thời Nhật. Hàng năm, đây là nơi Lễ hội Đèn lồng được tổ chức thu hút rất đông người tham dự.

Khoảng xanh trong công viên Đài Trung
Hồ nước trong công viên Đài Trung
Kiến trúc bằng gỗ của vọng lâu
Advertisements

1.3 Tòa thị chính thành phố Đài Trung

Với những cột nhà bằng đá trắng, lối vào tráng lệ và họa tiết trang trí tinh xảo, Tòa thị chính Đài Trung có lẽ là công trình theo kiến trúc Minh Trị đặc sắc nhất của thành phố. Tòa nhà trông lộng lẫy như một biệt thự ở châu Âu. Nó được xây ở góc đường, với hai cánh trải dài ra phía sau làm cho toàn bộ tòa nhà trông càng hoành tráng hơn.

Đây từng là văn phòng của Tỉnh trưởng tỉnh Đài Trung dưới thời Nhật. Tòa nhà được xây vào năm 1913 nhưng có hình dáng hiện tại vào năm 1934, sau bốn lần mở rộng. Ngày nay, đây là nơi đặt Ủy ban bảo vệ Môi trường và Phát triển Đô thị Đài Trung.

Tòa thị chính thành phố Đài Trung
Sân vườn bên trong Tòa thị chính
Một cánh khác của Tòa thị chính. Cũng không kém phần tráng lệ

1.4 Trung tâm Võ thuật và Văn hóa Nhật bản

Một địa điểm khác không thể bỏ qua chính là Trung tâm Võ thuật và Văn Hóa Nhật Bản. Nó thực chất là một võ đường được xây dựng từ năm 1937 với mái nhà cong, cột trụ bằng gỗ và sàn nhà được nâng lên cao.

Có thể nói, đây là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc võ đường truyền thống Nhật Bản. Bên ngoài võ đường là một khu vườn nhỏ, nơi du khách có thể thả hồn thư giãn. Ngoài chức năng chính là nơi tập võ, trung tâm này còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa như thuyết trình sách, cắm hoa hoặc trà đạo.

Advertisements

1.5 Miyahara

Trước khi kết thúc hành trình qua phố cổ Đài Trung, tôi ghé qua Miyahara – tiệm bánh ngọt nổi tiếng nhất thành phố. Ngôi nhà gạch đỏ này từng là phòng khám mắt lớn nhất thành phố và chủ nhân của nó là bác sĩ người Nhật Miyahara Takeo. Sau năm 1945, công trình này trở thành Ban bảo vệ sức khỏe Đài Trung. Tuy nhiên, ban này chỉ hoạt động được một thời gian và căn nhà của Miyahara dần rơi vào quên lãng.

May mắn thay, một công ty bánh ngọt địa phương là Dawn Cake đã mua lại và cải tạo nơi đây thành một tiệm bánh vô cùng độc đáo. Thiết kế gạch đỏ bên ngoài vẫn được giữ nguyên. Chỉ có phần mái bị sập do động đất được thay mới. Nội thất bên trong tòa thì được bài trí theo phong cách châu Âu với những kệ sách cao đến trần nhà, nội thất giả gỗ và những chùm đèn lộng lẫy. Bên cạnh đó là hàng chục loại bánh ngọt và kem được bày biện vô cùng đẹp mắt. Bước vào đây, tôi có cảm giác như mình đang lạc vào ngôi trường Hogwart của Harry Porter. Mọi thứ trông thật kì ảo và nhiệm màu.

Miyahara

2. Công viên Văn hóa và Di sản Đài Trung

Nằm ở phía Nam của khu phố cổ, Công viên Văn Hóa và Di Sản Đài Trung là một trung tâm triển lãm và trưng bày nghệ thuật. Tiền thân của công viên này là một nhà máy sản xuất bia rượu cũ, được hình thành từ những năm đầu thế kỉ 20. Đến năm 1998, sau khi các nhà máy bị buộc di dời ra khỏi thành phố, nhà máy này cũng đã ngừng hoạt động.

Vào năm 2007, từ một nhà máy bỏ hoang, khu vực này đã trở thành một phòng triển lãm nghệ thuật đầy màu sắc. Phần lớn cấu trúc của nhà máy cũ vẫn được giữ nguyên. Chỉ có phần nội thất được thay đổi, sơn phết lại cho phù hợp với mục đích sử dụng mới. Một vài tác phẩm nghệ thuật sắp đặt cũng được thêm vào, làm tăng tính độc đáo của khu công viên.

Vẻ đẹp bụi bặm của Công viên Văn hóa và Di sản Đài Trung
Advertisements

3. Làng Cầu vồng

Điểm tham quan ở Đài Trung không chỉ giới hạn ở khu vực trung tâm thành phố. Ở vùng ngoại ô Nam Đồn (Nantun), phía Tây thành phố Đài Trung có một ngôi làng rất đặc biệt. Tuy chỉ bao gồm vài ba căn nhà nhỏ, nhưng khi bước vào đây ta có cảm giác như mình đang lạc vào thế giới trẻ thơ, rực rỡ sắc màu. Chính vì thế mà người ta gọi nơi đây là Làng Cầu Vồng.

Câu chuyện về một người họa sĩ đặc biệt

Làng Cầu Vồng thực chất là một dự án nghệ thuật của ông Huang Yung-Fu – một người lính về hưu. Sau thất bại vào năm 1949 ở Trung Quốc, ông đã cùng với đoàn quân của Tưởng Giới Thạch chạy đến đảo Đài Loan. Thời bấy giờ, có rất nhiều ngôi làng dành cho binh sĩ được dựng lên và ông Huang đã dành cuộc đời của mình trong một ngôi làng như thế. Theo thời gian, những ngôi làng này dần xuống cấp và những nhà đầu tư bất động sản thu mua lại những khu vực này để xây mới. Ngôi làng của ông Huang cũng không phải ngoại lệ.

Nhưng ông Huang không dời đi vì nơi này đã quá gắn bó với ông. Sau khi nhận tiền đền bù, hàng xóm của ông dời đi hết, để lại ông một mình với 11 căn nhà cũ. Và ông bắt đầu vẽ để bớt buồn chán. Ông bắt đầu với những hình ảnh động vật ở góc nhà, rồi đến tường nhà, mái nhà và cuối cùng ông đã phủ một lớp áo mới lên toàn bộ căn nhà. Sau một thời gian, sinh viên của một trường đại học gần đó đã biết đến dự án nghệ thuật của ông Huang. Họ đã quyết định giúp ông giữ gìn và phát triển khu làng có một không hai này.

Advertisements

4. Nhà hát Quốc gia Đài Trung

Tất nhiên, không phải mọi thắng cảnh ở thành phố Đài Trung đều trong có vẻ cũ kĩ. Nằm trong khu tài chính sấm uất, Nhà hát quốc gia Đài Trung là một công trình kiến trúc nổi bật của thành phố. Nó được thiết kế bởi kiến trúc sư người Nhật Toyo Ito – người không ngại dẹp bỏ những tư duy xưa cũ để tạo nên sự đột phá.

Tương tự như tòa nhà DDP ở Seoul, Nhà hát Quốc gia Đài Trung dường như không có một hình thù cụ thể. Từ bên ngoài, nó trông như một khối lập phương khổng lồ, bao quanh bởi những mảnh ghép hình gợn sóng. Bên trong, Toyo Ito đã dùng sắt và thép để tạo ra những “hang động” kì lạ, mà khi vào đó đó ta vẫn có thể cảm nhận được các nhân tố bên ngoài như nắng, gió và nước. Các tầng cũng được kết nối với nhau, khiến cho toàn bộ tòa nhà có cảm giác rộng và thoáng hơn. Ngoài chức năng là một nhà hát, đây còn là nơi để những nhà thiết kế và nghệ nhân Đài Loan gặp gỡ, trao đổi và mua bán những sản phẩm mà họ tạo ra.

Nhà hát Quốc gia Đài Trung
Quang cảnh khu tài chính Đài Trung

Kinh nghiệm du lịch thành phố Đài Trung

  • Thành phố Đài Trung là một trạm trên chuyến tàu tốc hành (HSR) nối liền Đài Bắc và Cao Hùng. Tàu xuất phát khá thường xuyên và toàn bộ hành trình mất khoảng gần một giờ.
  • Lưu ý, ga HSR ở Đài Trung nằm ngoài trung tâm thành phố. Do đó để vào thành phố, bạn cần phương tiện trung chuyển. Taxi có lẽ là thuận tiện nhất, mất khoảng 250 Đài tệ. Bạn cũng có thể đi tàu, tuy nhiên tàu vào thành phố xuất phát ở ga Xinwuri, cách bến tàu Taichung HSR vài trăm mét.
  • Không như Đài Bắc, Đài Trung chưa phát triển hệ thống metro. Việc đi lại chủ yếu dựa vào phương tiện cá nhân hoặc bus. Bus ở Đài Trung miễn phí nếu đi trong khu vực thành phố (10km). Tuy nhiên bạn vẫn phải quẹt thẻ Easycard khi lên và xuống xe.
Advertisements
Advertisements

Leave a Reply Cancel reply