Tuy Jaipur không phải là thành phố lớn nhất hay lâu đời nhất Ấn Độ. Nhưng đằng sau những bức tường hồng của thành phố này là một đô thị cực kỳ sôi động và rực rỡ sắc màu.
Jaipur – cửa ngõ vào bang Rajasthan – luôn được định sẵn là một trung tâm giao thương sầm uất. Kể từ khi thành lập vào năm 1727 bởi Maharaja Jai Singh II, thành phố này đã chứng kiến sự bùng nổ của thương mại tại những khu chợ luôn luôn tấp nập. Nghệ nhân tất cả các ngành nghề đều đến đây để tạo nên những tuyệt tác cho tầng lớp quyền quý, từ nữ trang, đồ gỗ đến các loại tơ lụa cao cấp. Ngày nay cũng vậy, từ lúc bước chân qua một trong bảy cánh cửa dẫn vào thành phố Jaipur, ta cũng sẽ choáng ngợp bởi sắc màu, âm thanh và sự náo nhiệt nơi đây.
Thành phố Jaipur còn khác biệt ở cách quy hoạch. Nó được thiết kế theo dạng bàn cờ phổ biến ở châu Âu, với đại lộ, quảng trường rộng lớn và nhà cửa có mặt tiền tương tự nhau. Tuy nhiên, việc phân chia khu vực lại theo Vastu Shastra – một lý thuyết Hindu cổ sắp xếp các quận theo tầng lớp và ngành nghề khác nhau. Theo đó, thành phố Jaipur được chia làm chín khu vực. Hai trong số đó là khu văn phòng chính phủ và cung điện, phần còn lại dành cho đại chúng.
Jaipur có thực sự là Thành phố Hồng?
Thật vậy, Jaipur được mệnh danh là “Thành phố Hồng” là do màu sắc chủ đạo của nó. Nhưng điều này chỉ đúng cho khu phố cổ, nơi người dân bắt buộc phải giữ gìn màu sắc này. Ngay cả bức tường bao quanh và cửa đều cũng được sơn màu hồng. Từ thế kỉ 20, thành phố đã phát triển vượt quá những bức tường này. Và cư dân ở những khu vực đó được trang hoàng nhà cửa theo bất kì màu sắc hay phong cách nào họ muốn.
Mặc dù được gọi là Thành phố Hồng, Jaipur lại hiếm có một công trình nào có màu hồng thực thụ. Thay vào đó, nhà cửa ở đây có một màu hồng cam, gần giống với màu san hô. Màu sắc này được cho là lấy cảm hứng những công trình từ sa thạch đỏ của Mogul như pháo đài Agra hay kinh đô Fatehpur Sikri. Nó đại diện cho sự hiếu khách. Chính vì thế mà vào năm 1876, Maharaja Ram Singh cho sơn toàn bộ thành phố màu san hô để đón tiếp Thái tử Anh quốc, Albert Edward.
1. Cung điện Jaipur
Được xây từ những ngày đầu của thành phố, cung điện là minh chứng cho lịch sử và nền văn hóa hào hùng của thành phố Jaipur. Nó chiếm lĩnh trung tâm khu phố cổ, bao gồm nhiều cung điện, lầu các và một khoảng vườn rộng lớn. Cho đến năm 1949, công trình nguy nga này là nơi đặt triều đình Jaipur. Nó cũng là một trung tâm kinh tế, văn hóa và hiển nhiên là một trung tâm thương lại. Ngày nay, cung điện vẫn còn là tư dinh của hoàng gia Jaipur. Tuy nhiên một phần đã trở thành viện bảo tàng và mở cửa cho du khách.
Về mặt kiến trúc, cung điện Jaipur hài hòa những yếu tố Mogul với kiến trúc truyền thống Rajput. Cổng vòm và những chạm khắc hình học tinh xảo – đặc trưng của kiến trúc Mogul – hiện diện ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, mái vòm oval và trang trí đầy màu sắc có hình các vị thần động vật là đại diện cho nguồn gốc Hindu.
Khách tham quan sẽ bắt đầu từ một trong hai cánh cửa ở hai bên cung điện. Họ sẽ đi qua sảnh chầu theo phong cách Mogul và lầu Mubarak Mahal với ban công tinh xảo như được cắt ra từ giấy. Tiếp theo đó khách sẽ vào khoảng sân trong nơi có bốn cánh cổng tuyệt đẹp. Chúng thể hiện bốn mùa với họa tiết hình công (mùa thu), cánh hoa (mùa hè), hoa hồng (mùa đông) và lá chuối (mùa xuân). Khu vực này cũng dẫn đến phần hoành tráng nhất cung điện chính là Chandra Mahal.
Một sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc Rajput và Mogul.
Chandra Mahal
Tọa lạc ở trung tâm cung điện là tòa tháp bảy tầng Chandra Mahal – một trong những công trình cổ và quan trọng nhất thành phố Jaipur. Đây là dinh thự của gia đình hoàng gia và ta có thể nhận ra sự hiện diện của họ nhờ vào lá cờ cắm trên tòa nhà này. Nếu lá cờ nhỏ bay trên cung điện, Mahraja có mặt ở Jaipur. Nhưng nếu chỉ có lá cờ to thì lãnh chúa đang công du.
Vì đây là nơi ở của hoàng gia nên tòa nhà này có những căn phòng xa hoa lộng lấy nhất thành phố. Ví dụ như, sảnh Chhavi Niwas ở lầu bốn được sơn hoàn toàn bằng màu xanh azure và trang trí với những họa tiết hình hoa tinh tế. Trong khi đó, sảnh Sukh Niwa và Shobha Niwas ở lầu hai và ba thì được khảm vô vàn những mảnh gương trông cực kì huyền ảo. Có thể nói, mỗi căn phòng đều có một không hai và chúng đại diện cho thời kì huy hoàng của hoàng gia Jaipur.
2. Jantar Mantar
Ngoài việc là một chiến binh vĩ đại, Maharaja Jai Singh II còn là một nhà thiên văn học sắc sảo. Ông rất có hứng thú với các thiên thể và muốn có những thiết bị để đo chính xác vị trí của những hành tinh này. Chính vì thế, một đài thiên văn hay Jantar Mantar được xây chỉ cách cung điện Jaipur vài bước chân. Nó bao gồm khoảng 20 công cụ phức tạp để đo thời gian, dự đoán nhật thực, theo dõi các ngôi sao chính trên quỹ đạo, xác định độ lệch và độ cao của thiên thể.
Điều thú vị là những công cụ thiên văn này được thiết kế để hoạt động bằng mắt thường. Tất cả đều chính xác đến kinh ngạc, với sai số không thua gì thiết bị hiện đại. Tất cả đều được xây dựng từ vật liệu địa phương như đá và cẩm thạch. Một số thiết bị được gia cố bằng gạch, vữa, hay các thành phần bằng đồng. Địa điểm này đã được UNESCO công nhận là một Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2010 vì nó thể hiện kỹ năng và kiến thức về vũ trụ của một triều đình thế kỷ 18 do một vị vua uyên bác đứng đầu.
3. Hawa Mahal
Cách cung điện khoảng 500m về phía Tây Nam là một trong những kiến trúc nổi tiếng nhất ở thành phố Jaipur, Hawa Mahal hay Cung điện Gió. Tòa nhà bằng sa thạch đỏ này được xây dựng vào năm 1799 bởi Maharaja Ram Singh như một phần mở rộng của Hậu cung. Công trình bao gồm năm tầng và được biết đến nhờ vào mặt ngoài cực kì độc đáo. Nó tựa như một tổ ong khổng lồ màu san hô. Trên đó là 953 cửa sổ lớn nhỏ được trang trí bởi những rèm mắt cáo vô cùng tinh xảo.
Với nhiều cửa sổ như vậy, gió có thể dễ dàng lưu thông qua Hawa Mahal, khiến toàn bộ cung điện trở nên dễ chịu vào mùa hè. Tính năng này cũng cho phép phi tần cung nữ có thể quan sát cuộc sống hàng ngày trên đường phố mà không bị nhìn thấy. Một lần nữa, ta có thể thấy kiến trúc Rajput pha trộn với các yếu tố Mogul, tạo nên một công trình đầy mê hoặc cứ như một lâu đài trong truyện Nghìn lẻ một đêm vậy.
4. Bảo tàng Albert Hall
Một sự kết hợp thú vị khác chính là Bảo tàng Albert Hall, tọa lạc ngay bên ngoài cổng thành. Tại đây, các đặc điểm của kiến trúc Mogul như mái vòm chhatris, cổng vòm hay tranh tường đậm chất Hồi giáo được kết hợp với bố cục theo phong cách Tân Gothic. Đây là ví dụ điển hình của kiến trúc Indo-Saracenic được người Anh ở Ấn Độ rất ưa chuộng vào thế kỷ 19. Bảo tàng có hai sân trong và được bao quanh bởi một trảng cỏ rộng.
Ban đầu, Albert Hall được Mahraja Ram Singh xây dựng với mục đích làm Tòa thị chính. Mặt khác, công trình này còn nhằm đảm bảo chuyến viếng thăm của Thái tử Alberd Edward. Tuy nhiên vào năm 1887, người kế vị của ông là Madho Singh II quyết định biến nơi này thành một viện bảo tàng nghệ thuật. Và kể từ đó nó đã được mở cửa cho công chúng. Nhiều loại đồ tạo tác được trưng bày ở đây, từ thảm Ba Tư, tranh vẽ, đồ trang sức, tượng điêu khắc bằng ngà voi cho đến các tác phẩm tinh xảo bằng pha lê.
Kinh nghiệm du lịch thành phố Jaipur
- Đối với khách nước ngoài, vé vào cung điện Jaipur có giá 700₹. Đó là một tấm vé tổng hợp cho phép bạn vào cả ba công trình do gia đình hoàng gia Jaipur quản lý, bao gồm cung điện, Pháo đài Jaigarh và khu lăng mộ hoàng gia. Vé có thể mua online tại e-shop của Royal Jaipur.
- Như đã nói ở trên, Chandra Mahal là nơi ở của gia đình hoàng gia. Do đó, bạn chỉ có thể tiếp cận khu vực này khi đi với hướng dẫn viên. Một tour tham quan Chandra Mahal có chi phí khá cao khoảng 3000₹. Tuy nhiên, những căn phòng đó thực sự rất đẹp và đáng xem. Tour này không thể mua vé trước vì còn phụ thuộc vào lịch trình của hoàng gia. Nếu họ sử dụng một trong những căn phòng này thì sẽ không có tour.
- Đối vơi các điểm tham quan khác ở thành phố Jaipur thì bạn cần một loại vé tổng hợp khác. Vé này bao gồm phí vào cửa Jantar Mantar, Hawa Mahal, Pháo đài Amber, Pháo đài Nahagahr và Bảo tàng Albert Hall. Vé có giá 1000₹ và có bán tại quầy vé của bất kỳ điểm tham quan nào. Lưu ý rằng vé tổng hợp này có giá trị trong hai ngày liên tiếp.
- Bạn nên thuê hướng dẫn viên tại Jantar Mantar vì họ có thể cung cấp thông tin về các công cụ thiên văn theo cách dễ hiểu. Nếu không, bạn sẽ phải đọc bảng chỉ dẫn cực kỳ khoa học và khó hiểu (ít nhất là đối với tôi).
- Nhiều du khách nhìn Hawa Mahal từ phía đường phố và nghĩ rằng đó là mặt trước của cung điện. Nhưng vẻ ngoài ấn tượng này thực chất là mặt sau và nó tương phản hoàn toàn với mặt tiền đơn giản của cung điện. Tòa nhà cũng không có lối vào ở phía mặt đường. Thay vào đó, bạn có thể vào từ phía đường Tripoli Bazar, cổng vào ở ngay góc đường.
- Bạn không được phép chụp ảnh bên trong Albert Hall, nhưng quy tắc này chỉ áp dụng cho máy ảnh cỡ lớn.
Em ơi em chụp máy ảnh gì mà ban đêm đẹp thế, ban ngày cũng rất trong nữa
Ban ngày e chụp bằng Leica D-Lux với S21. Compact camera thôi, e ngại vác nặng lắm 🙂 Indoor thì S21 nhiều khi còn đẹp hơn máy ảnh. Còn chụp đêm hay chụp xa thì e dùng Nikon D750. Nó nặng lè nên hiếm lắm mời đem đi.
Chời ơi Leica và Nikon lun hả. Chị trước h chụp Canon cùi bắp 550D ko á mà h nó chết ngắc rồi. Chị đang định mua Sony A7R3 nè tại c thấy màu của Sony tươi á, mỗi tội nếu mua thêm quả lens 18-135 nữa thì chị gãy tay mất huhu
E chưa dùng qua Sony nên ko đánh giá được. Nhưng lúc trước e có xài Fuji thấy màu cũng tươi lắm. Nikon thì ảnh trong thật nhưng màu nó cứ hơi tối. Hay có khi do e ko biết chỉnh cũng nên :)) E biết sơ sơ thôi chứ chuyên sâu hơn, chỉnh tính năng nọ kia thì chịu.