Màu sắc tinh tế và hình ảnh sống động, những bức tranh mosaic ở thành phố Ravenna dễ dàng mê hoặc bất kỳ ai. Chúng không chỉ là minh chứng cho những bàn tay tài hoa mà còn đại diện cho những đổi thay về lịch sử và văn hóa ở thành phố này trong suốt hai thế kỉ.
Trái với vẻ đẹp thanh bình ngày nay, thành phố Ravenna từng có một lịch sử huy hoàng nhưng cũng đầy sóng gió. Đây từng là thủ đô của Tây La Mã trước khi đế chế này sụp đổ vào năm 476. Trong vài thập niên sau đó, nơi này vẫn là kinh đô của vương quốc Ostrogoth cho đến khi Đế chế Byzantine tấn công thành phố vào thế kỉ thứ 6. 200 năm sau, người Byzantine lại bị quân Lombard lật đổ, chấm dứt hoàn toàn ảnh hưởng của Byzantine ở Ý. Kể từ đó, Ravenna trở thành một phần của nước Ý và dần mất đi sự quan trọng về mặt địa chính trị.
Do từng là thủ đô của nhiều triều đại, không có gì ngạc nhiên khi có nhiều công trình tôn giáo ở đây được xếp vào hàng đẹp nhất thời kì Tiền Trung Cổ. Chúng thực sự là những tuyệt tác, được trang trí với phù điêu, cẩm thạch và đặc biệt là những bức tranh mosaic. Tất cả đều cực kì sống động, giàu màu sắc mang hình ảnh và các biểu tượng Thiên chúa giáo. Những công trình này ở Ravenna là ví dụ tốt nhất cho nghệ thuật mosaic ở châu Âu. Chính vì thế mà chúng được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1996.




1. Nhà thờ San Vitale
Từ nhà ga, tôi rảo bước qua những con phố rợp bóng cây, hai bên là những dãy nhà từ thời kì Phục Hưng. Sau khoảng 20 phút thì kì quan đầu tiên của thành phố Ravenna hiện ra trước mắt tôi, nhà thờ San Vitale. Hiên ngang giữa một khu vườn xanh tươi, nhà thờ hơn 1500 năm tuổi này được bắt đầu xây từ thời Gothic nhưng lại hoàn thành vào thời Byzantine. Kết quả là một sự pha trộn kiến trúc thú vị. Điển hình như vòm cửa cẩm thạch và tòa tháp cao là đại diện cho La Mã. Trong khi tường thành bằng gạch dẹp và chính điện hình bát giác là điển hình của Byzantine.
Bên trong nhà thờ là một tuyệt tác nghệ thuật mosaic. Vô vàn những mảnh vàng, thủy tinh và đá bán quý lấp lánh che phủ toàn bộ trần nhà và chính điện. Chúng tạo nên hình ảnh của Đức Chúa, 12 vị tông đồ và cả hoàng gia Byzantine. Sàn nhà cũng được trang trí bằng mosaic với các hoạ tiết hình học và hoa lá, thậm chí còn có cả một mê cung. Nhà thờ San Vitale được xem là kiểu mẫu cho việc trang trí Hagia Sophia vào 10 năm sau. Và có lẽ nó cũng đã truyền cảm hứng cho Tổng trấn Venice xây nên Thánh đường San Marco tráng lệ vào thế kỉ 11.





2. Lăng mộ Placidia
Đối diện với nhà thờ San Vitale là Lăng mộ Placidia. Đây là một phần của nhà thờ cổ đã bị phá hủy vào khoảng giữa thế kỉ thứ 5. Aelia Galla Placidia – một nữ vương của Đế chế Tây La Mã – đã xây nên công trình này. Tuy được gọi là lăng mộ, nhưng nữ vương không được chôn cất ở đây. Thay vào đó, bà đã được chôn cất tại Rome cùng gia đình hoàng tộc.
Trái với vẻ ngoài đơn sơ, nội thất của lăng mộ Placidia không khỏi khiến tôi sửng sốt. Những mảnh đá màu xanh thẫm xếp quanh những cánh hoa tuyệt đẹp của Khu vườn Eden. Giữa mái vòm là một cây thập giá vàng vây quanh bởi vô vàn tinh tú. Bên trên cổng vào là bức họa của Đức Chúa dưới hình hài Mục tử. Với khoảng 95% mosaic ở đây là nguyên bản, Lăng mộ Placidia là đại diện xuất sắc cho nghệ thuật tôn giáo và mai táng trong những năm cuối cùng của Đế chế Tây La Mã.



3. Nhà rửa tội Neon
Ngay cạnh Thánh đường Ravenna là kiến trúc lâu đời nhất của thành phố, Nhà rửa tội Neon. Nó được xây vào cuối thế kỉ thứ 4 như một phần của thánh đường. Nhưng đến giữa thế kỉ thứ 5, Giám mục Neonis đã cho sửa lại phần mái và thêm vào những bức tranh mosaic. Khung cảnh rửa tội của Đức Chúa là trọng tâm của nơi này. Xung quanh đó là hình ảnh 12 vị tông đồ cực kì sống động. Động tác và dáng đi khiến ta cảm giác như họ đang di chuyển thật.
Mặc dù thánh đường cổ đã bị phá hủy (được xây dựng lại vào thế kỉ 18), Nhà rửa tội Neon lại không hề bị tổn hại gì trong suốt hàng ngàn năm. Tòa tháp hình bát giác được bảo tồn gần như nguyên vẹn, cả bên trong lẫn bên ngoài. Do đó mà Nhà rủa tội Neon được đánh giá là một báu vật của thời kì hậu La Mã còn tồn tại cho đến ngày nay.




4. Bảo tàng Tổng Giám mục và Nhà nguyện Thánh Andrew
Cách Nhà rửa tội Neon vài bước chân là Bảo tàng Tổng Giám mục. Bảo tàng hai tầng lầu này được xây vào thế kỉ 18 để lưu giữ thánh tích, tượng điêu khắc, và tranh mosaic từ Thánh đường cổ. Ví dụ như ngai vàng làm từ ngà voi của Tổng giám mục Byzantine (đẹp nhất trong các tác phẩm từ ngà voi ở châu Âu) và lịch Phục Sinh được khắc trên một phiến đá cẩm thạch. Tuy nhiên, khu vực triển lãm hấp dẫn nhất của bảo tàng chính là Nhà nguyện Thánh Andrew.
Từng là nhà nguyện riêng của Tổng giám mục La mã, nơi đây đã được sửa lại thành nhà nguyện Chính thống giáo vào đầu thế kỉ thứ 6. Đây cũng là công trình duy nhất dưới thời Gothic được xây theo phong cách này. Lấy cảm hừng từ Lăng mộ Placidia, nhà nguyện này cũng có một bầu trời đầy sao được làm từ mosaic. Xung quanh còn có những vị thánh và thiên thần. Hình ảnh Đức Chúa ở đây cũng rất đặc biệt. Người mang dáng vẻ hiên ngang của một chiến binh La Mã vừa thắng trận trở về.






5. Nhà thờ Sant’Apollinare Nuovo
Trên đường quay về ga, tôi ghé qua một tuyệt tác khác của thành phố Ravenna, Nhà thờ San’tApollinare Nuovo. Công trình đồ sộ này được xây vào những thập niên đầu của thế kỉ thứ 6 để làm nhà nguyện cho Theodoric, vua của người Goth. Nó bao gồm một tháp chuông hình trụ, một sân trong và một khán phòng khảm mosaic.
Tuy nhiên, khi người Byzantine chiếm lại thành phố họ đã cho cải tạo lại phần nội thất. Những họa tiết không chính thống ở chính điện bị xóa bỏ. Trong khi trang trí ở hai bên tường và những cột đá bằng cẩm thạch đều được được giữ nguyên. Điểm ấn tượng nhất của nhà thờ có lẽ là hai bức tranh mosaic thể hiện một buổi lễ trước ngai vàng của Đức Chúa và Đức Mẹ. Khoảnh khắc ánh sáng tràn vào khán phòng, phản chiếu trên những mảnh vàng lấp lánh khiến tôi vô cùng kinh ngạc.






Video
Kinh nghiệm du lịch thành phố Ravenna
- Ravenna chỉ cách thành phố Bologna khoảng 70 phút bằng xe lửa. Nếu đi từ Rimini thì sẽ gần hơn, chỉ mất gần 60 phút.
- Tại website của Opera di Religione della Diocesi di Ravenna có bán một loại vé tổng hợp (€ 10,50). Loại vé này cho phép du khách vào cửa cả năm công trình kể trên. Một lần cho mỗi điểm tham quan và trong thời gian là một tuần.
- Đối với Lăng mộ Placidia và Nhà rửa tội Neon, bạn cần phải đặt thời gian tham quan trước. Lí do là vì hai nơi này nhỏ và khá đông khách. Để đặt lịch, một khoản phụ thu € 2,00 sẽ được thêm vào giá vé tổng hợp
- Nếu bạn chỉ có một ngày ở thành phố Ravenna thì hãy đi xem hai điểm này trước tiên. Những công trình còn lại không có giới hạn thời gian nên có thể xem sau.
Trích: “Khi ánh sáng tràng [tràn] vào khán phòng”.
Rất hay! Cảm ơn gợi ý của bạn 🙂