Một vùng đồng bằng phì nhiêu với những ruộng lúa trải dài ngút tầm mắt, tỉnh An Giang là một đại diện hoàn hảo cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng vùng đất này không chỉ là “vựa lúa” của Việt Nam. Nó còn đại diện cho sự đa dạng văn hóa, nơi nhiều sắc tộc cùng sinh sống trong suốt nhiều thế kỉ.
Nằm ở đoạn trên của dòng Mekong, sát biên giới với Campuchia, tỉnh An Giang được thiên nhiên ban tặng những điều kiện thích hợp để phát triển nông nghiệp. Vùng đất này tựa như một ruộng lúa khổng lồ, đan xen bởi một mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Cùng với Kiên Giang, đây là vựa lúa quan trọng của cả nước. Và trong suốt nhiều thế kỉ qua, người Khmer, người Chăm đạo Hồi (khác với đa số người Chăm ở miền Trung theo đạo Hindu), người Hoa và người Việt đã gọi nơi đây là nhà.
Nhưng cuộc sống ở đây không phải lúc nào cũng thanh bình. Chỉ hơn 40 năm trước thôi, Khmer Đỏ đã xâm phạm biên giới và đốt phá làng mạc ở An Giang. Tội ác ghê rợn nhất xảy ra ở Ba Chúc với thương vong lên đến 3157 người. Già trẻ lớn bé, cả người Việt, người Hoa, thậm chí là người Khmer đều bị giết hại tàn nhẫn. Chính sự kiện này đã buộc Việt Nam tiến vào Campuchia vào năm 1979 lật đổ chế độ độc tài Khmer Đỏ đứng đầu bởi Pol Pot. Ngày nay, vùng đất này đã có lại vẻ bình dị vốn có của nó. Và những nền văn hóa khác nhau vẫn song song tồn tại và phát triển.
1. Châu Đốc
Mặc dù không phải thủ phủ tỉnh An Giang, nhưng với vị trí ở ngã ba sông, nên Châu Đốc từ xưa đã là một đầu mối giao thương quan trọng. Thành phố nổi tiếng nhất với “chợ Mắm” có tuổi đời lên đến 110 năm được xây từ thời Pháp thuộc. Đúng như tên gọi của nó, nơi đây chuyên về các loại mắm làm từ cá nước ngọt.
Cá trước hết được lóc xương, xong đem ướp muối, thính và đường thốt nốt. Ớt, tỏi và thỉnh thoảng còn có cà-rốt và đu đủ xanh thêm vào để tăng hương vị. Sản phẩm cuối cùng là những tháp mắm được xếp ngay ngắn và bắt mắt. Ngoài cá, các loại thủy sản nước ngọt khác như tôm, ba khía và các loại rau như dưa, hành cũng có thể làm mắm được.
2. Làng lụa Tân Châu
Ngay bên kia sông Hậu là huyện Tân Châu, nơi ra đời của lụa Lãnh Mỹ A danh giá. Loại lụa này đặc biệt ở vẻ ngoài sáng bóng, tựa như da thuộc. Nhưng vẫn giữ được đặc tính của lụa như mỏng và nhẹ. Ngày xưa, loại lụa này chỉ có màu đen do được nhuộm trong nhựa của trái mặc nưa. Một lợi thế của việc nhuộm kiểu này là chúng không bao giờ phai màu.
Lụa Lãnh Mỹ A được xem là một mặt hàng cao cấp do quy trình sản xuất rất phức tạp. Lụa phải được làm hoàn toàn tự nhiên, phải được nhuộm và phơi khô đến hàng chục lần. Cuối cùng là phải được dệt theo cách dệt satin (kiểu dệt kì công nhất). Chính vì thế mà vài thập niên trước, lụa Lãnh Mỹ A gần như biến mất. Lí do là do nhu cầu thấp, cộng thêm thị trường tràn ngập các sản phẩm pha nylon, nhựa hay lụa rẻ tiền từ Trung Quốc.
Lụa có độ sáng bóng như da thuộc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự phát triển của thời trang cao cấp và thân thiện với môi trường, Lãnh Mỹ A lại được hồi sinh. Thêm vào đó, các nghệ nhân đã có cải tiến trong việc nhuộm tạo ra nhiều màu sắc khác nhau nên đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nhưng loại lụa này vẫn đứng trước nguy cơ biến mất do thiếu thợ lành nghề và nguyên liệu. Đa phần nông dân trong tỉnh An Giang đã chuyển từ cây mặc nưa sang cây trồng khác.
Tips: Lụa Tám Lăng là một trong số ít những nơi còn sản xuất lụa Lãnh Mỹ A. Tuy nghệ nhân Tám Lăng đã nghỉ hưu, nhưng may mắn thay con gái ông đã kế nghiệp và cố gắng vực dậy loại lụa quý hiếm này.
3. Núi Sam
Với độ cao 230m, núi Sam sừng sững giữa những ruộng lúa bạt ngàn ở tỉnh An Giang. Đây là đỉnh núi cao nhất miền Tây và là một nơi hành hương nổi tiếng. Ngọn núi được đặt theo tên Bà Chúa Xứ Núi Sam – một tượng thần được tôn kính khắp các tỉnh Nam kỳ. Có thể xuất xứ từ nền văn minh Óc Eo, tượng Bà là địa điểm thờ phụng quan trọng nhất trong chuỗi đền chùa ở núi Sam.
Trên đỉnh núi còn một bệ đá nơi đặt tượng Bà ngày xưa. Truyền thuyết kể lại rằng, quân xâm lược định trộm Bà về nước nhưng đến nửa đường thì tượng nặng quá không thể nhấc nổi. Chúng đành bỏ lại. Sau này tượng được chuyển đến vị trí hiện tại chỉ với sức nâng của bảy cô gái trẻ. Quang cảnh từ trên núi Sam nhìn xuống cũng vô cùng đẹp với vô vàn sắc xanh. Xa xa là những hàng cọ chạy ven kênh.
Tips: Lễ vía Bà Chúa Xứ được tổ chức hàng năm vào tháng 4 âm lịch, từ ngày 23 đến 26. Lưu ý là lễ thu hút rất đông du khách.
4. Rừng tràm Trà Sư
Cách Châu Đốc khoảng 30km là khu rừng ngập nước Trà Sư. Rừng rộng 850 ha, với cây tràm là cây trồng chủ đạo. Những cây này được trồng vào những năm 80 để khử độc cho đất. Chúng cũng góp phần bảo vệ đất khỏi sói mòn vào mùa lũ. Phần lớn các cây ở đây đều hơn chục tuổi với chiều cao trung bình từ 5 đến 8m. Chúng mọc thành hàng và vươn ra dòng nước tựa như cổng chào.
Bên cạnh cây tràm, Trà Sư còn là nơi sinh sống của hơn 140 loại thực vật, bao gồm sen, súng, và cả các loại thảo dược. Ngoài ra còn phải kể đến bèo tấm, chúng phủ khắp các dòng nước như một tấm thảm xanh ngọc. Khu rừng ngập mặn này cũng là nhà của rất nhiều loài chim, thú, bò sát và cá. Đứng trên đài quan sát, tôi hòa mình vào thiên nhiên. Màu xanh tươi mát kéo dài đến tận chân trời. Không có sự ồn ào của phố thị mà chỉ có âm thanh của rừng.
Tips: Một chuyến tham quan rừng tràm Trà Sư mất khoảng 200.000 VND, bao gồm vé vào cửa (100.000VND), vé đi thuyền máy (50.000VND) và vé đi xuồng (50.000VND). Đài quan sát không thu phí nhưng khá là cao.
Video
Kinh nghiệm du lịch tỉnh An Giang
- Tỉnh An Giang cách Sài Gòn 250km về phía Tây Nam. Mất khoảng 6 giờ đi xe hơi hoặc bus.
- Bạn cũng có thể ghé qua Cần Thơ – thủ phủ vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước, rồi mới đi An Giang. Thời gian từ Cần Thơ đi An Giang mất trên dưới 3 giờ.
- Thời gian đẹp nhất là vào trước mùa gặt khi những cánh đồng lúa trổ bông. Sắc vàng sắc xanh đan xen nhau trông rất đẹp.
- Victoria Hotels and Resorts có hai khách sạn tốt ở khu vực này. Đầu tiên là Victoria Châu Đốc tọa lạc ngay bờ sông Hậu. Khách sạn chỉ cách chợ và bến phà đi Tân Châu chỉ vài phút. Ở đây còn có thuyền cao tốc đi Phnom Penh. Hành trình mất khoảng 5 giờ. Khách sạn thứ hai là Victoria Núi Sam xây ngay trên sườn núi.