Không giống như những bãi biển sầm uất ở phía Nam hay thánh địa du lịch Ubud, Đông Bali sở hữu một vẻ đẹp nguyên bản. Từ những ngọn núi lửa hùng vĩ, những bãi biển cát đen rợp bóng cây đến những công trình tôn giáo và văn hóa độc đáo, miền đất này hứa hẹn nhiều điều để khám phá.
Vài ngày ở Đông Bali, tôi nhận ra rằng miền đất này cực kì đa dạng. Nơi đây có núi lửa Agung vĩ đại. Nó phủ bóng lên những cánh rừng và ruộng lúa, tựa như đang nói rằng ta là chủ nhân của nơi này. Về phía Bắc là Batur, một lòng chảo có một không hai hình thành từ hàng chục ngàn năm trước. Dọc bờ biển, những bãi cát đen nhánh ôm trọn Ấn Độ Dương xanh thẳm.
Điểm xuyết vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ đó là những ngôi đền Hindu được thiết kế công phu. Hai trong số đó – đền Besakih và đền Lempuyang – thậm chí còn là những nơi linh thiêng nhất Bali. Bên cạnh đó còn có những ngôi làng truyền thống của người Bali Aga – những thổ dân đầu tiên đến sinh sống trên hòn đảo xinh đẹp này.
1. Núi Agung
Cao 3.031m trên mực nước biển, Agung là đỉnh núi cao nhất ở Bali. Nó sừng sững như một bức tường che chắn toàn bộ vùng Đông Bali, khiến du khách không khỏi choáng ngợp trước sự vĩ đại của nó. Ngọn núi lửa này vẫn còn hoạt động và đợt phun trào gần đây nhất là vào năm 2019. Ở chân và sườn núi ta còn có thể thấy rừng và thảm cây bụi. Nhưng càng lên cao thì càng cằn cỗi, chỉ còn đá núi lửa và tro bụi. Phần đỉnh của núi thường được vây quanh bởi mây, khiến ngọn núi càng trông huyền ảo siêu thực.
Thật vậy, núi Agung mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Bali. Họ tin rằng ngọn núi chính là một phiên bản của núi Meru – trung tâm vũ trụ và nhà của các vị thần trong đạo Hindu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ngôi đền linh thiêng nhất Bali – đền Besakih – được xây dựng trên sườn núi này. Đây là một quần thể bao gồm 23 cấu trúc lớn nhỏ khác nhau được xếp đối xứng. Điện thờ chính mang dáng dấp của một kim tự tháp cổ đại gồm sáu tầng.



2. Batur
Về phía Tây Bắc của núi Agung là Batur – một ngọn núi lửa ở giữa không phải một mà hai lòng chảo khổng lồ. Hiện tượng độc đáo này xảy ra khi núi lửa Batur nổ tung hàng chục ngàn năm trước. Trước những vụ nổ này, ngọn núi thậm chí còn cao hơn cả núi Agung. Nó đạt chiều cao lên đến 3.800m. Vụ nổ khiến phần đỉnh và sườn núi sụp đổ, tạo nên những lòng chảo sâu và rộng, bao gồm cả hồ nước ngọt lớn nhất Bali – hồ Batur. Núi Batur thì trở nên nhỏ lại, chỉ còn bằng 1/3 của núi lửa cũ.
Trên miệng của lòng chảo là một loạt những ngôi làng sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp. Địa chất núi lửa màu mỡ kết hợp với độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lơi để trồng cà phê, đặc biệt là cà phê chồn, và cam ngọt. Những sản phẩm ở đây có một vị thanh và thơm đặc biệt. Những năm gần dây, du lịch đang dần trở nên quan trọng vì du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh lòng chảo Batur từ những ngôi làng này. Một vài làng còn là khởi điểm của tour leo núi xem mặt trời mọc nổi tiếng.





3. Bờ biển phía Đông Bali
Cách xa khỏi những bãi biển đông đúc ồn ào ở phía Nam, đường bờ biển của Đông Bali mang một vẻ đẹp hoang sơ, yên bình. Ở đây, những dải cát đen tương phản với làn nước màu lam ngọc và những cánh rừng xanh tốt. Bãi cát đen như than được hình thành do hoạt động của núi lửa. Dung nham khi gặp nước biển sẽ lập tức bị nguội lạnh và vỡ tan thành vô số mảnh nhỏ, trở nên mịn như cát.
Bên dưới mặt nước là một thế giới sống động đang chờ được khám phá. Bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn vô số loại san hô và cá biển ở đây. Một số chỗ lặn, như vỉa san hô Blue Lagoon, còn thích hợp cho những người mới tập lặn. Nước ở đây không sâu lắm (tầm 2m), ít sóng, và đặc biệt rất trong. Chỉ cần đeo kính lặn và úp mặt xuống là bạn có thể thấy khung cảnh đáy biển lung linh.






4. Làng Tenganan
Chỉ vài cây số từ phố biển Candidasa là ngôi làng Tenganan – nơi sinh sống của những người Bali đầu tiên. Thường được biết đến dưới cái tên Bali Aga, những cư dân này lưu giữ một nền văn hóa có nguồn gốc từ hàng ngàn năm trước. Nền văn hóa này còn xuất hiện trước cả thời kì đế chế Majapahit ở Bali. Chính vì thế mà nó rất khác so với các vùng đồng bằng của Bali. Có thể nói dân làng Tenganan ở Đông Bali sống trong một xã hội khá khép kín với trật tự và tín ngưỡng riêng biệt. Họ nói một phương ngữ Bali cổ. Thậm chí là hoàn toàn không giống gì so với phương ngữ của các làng thổ dân khác.
Về mặt kiến trúc, nhà cửa ở làng Tenganan được sắp xếp một cách đối xứng theo hình dáng của một mandala. Ngôi làng gồm bốn lối vào và những ngôi nhà cộng đồng được đặt ở trung tâm. Làng Tenganan còn nổi tiếng với những nghề thủ công độc đáo, như chạm khắc gỗ hay đan rổ. Nhưng đặc biết nhất phải kể đến nghề làm vải dệt ba màu gọi là geringsing. Loại vải độc đáo này được tạo ra bằng phương pháp dệt ikat kép. Kĩ thuật này vô cùng phức tạp và tốn rất nhiều thời gian. Trên khắp đảo quốc Indonesia, chỉ có làng Tenganan là còn sản xuất những tác phẩm nghệ thuật này.








