Đối với tôi, cái tên “đồng bằng sông Cửu Long” gắn liền với hình ảnh của một miền sông nước trù phú. Khắp nơi là ruộng lúa xanh tươi và những vườn cây ăn trái nặng trĩu quả. Tuy nhiên, tôi đã không biết được rằng vùng đất này còn sở hữu nhiều di sản văn hóa. Từ những khu chợ nổi đầy màu sắc đến những công trình kiến trúc có một không hai, tất cả thể hiện một nếp sống độc đáo của người dân miền sông nước.
Trong tiếng Việt, đồng bằng sông Mekong được biết đến với một cái tên hoa mỹ “đồng bằng sông Cửu Long”. Người ta đặt cái tên này vì dòng Mekong khi vào lãnh thổ Việt Nam tách làm chín nhánh trước khi đổ ra biển Đông. Chúng uốn lượn như những con rồng trải khắp miền đồng bằng Tây Nam. Cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, dòng Cửu Long đã biến vùng đất này thành một vùng nông nghiệp trù phú.
Nơi đây cung cấp hơn một nửa sản lượng gạo và thủy sản của cả nước dù chỉ chiếm 1/10 tổng diện tích lãnh thổ. Không chỉ có lúa gạo, dừa và nhiều loại cây ăn trái khác cũng phát triển tốt trên mảnh đất giàu dinh dưỡng này. Thêm vào đó, địa hình đặc biệt cũng khiến cuộc sống của người dân ở đây có phần khác biệt. Họ phải học cách thích ứng với sự lên xuống của dòng Mekong. Những căn nhà trên sông, những con hào dẫn nước hay những khu chợ nổi cũng vì lí do đó mà hình thành.


1. Chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long
Không ai biết những khu chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết là chúng xuất hiện do nhu cầu của người dân ở đây. Vào những thế kỉ trước, khi đường xá chưa phát triển thì nhiều ngôi làng chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền. Người nông dân muốn mua bán nông sản phải đi rất xa, tốn rất nhiều thời gian. Chính vì thế một phiên chợ trên sông được xem là một giải pháp hợp lí.
Theo thời gian, chợ nổi đã trở thành một nét đặc trưng của miền Tây. Mỗi tỉnh dường như đều có ít nhất một khu chợ nổi. Trong khi một vài chợ nhỏ lẻ chỉ bao gồm vài chiếc xuồng, thì có những chợ đông đúc hơn với số lượng thuyền tập trung đông. Trong đó, sầm uất và nổi tiếng nhất phải kể đến Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ.

1.1 Chợ nổi Cái Răng
Nằm cách thủ phủ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 6km, chợ nổi Cái Răng là cái tên quen thuộc khi nhắc đến chợ nổi Việt Nam. Mỗi ngày, hàng trăm chiếc thuyền với đủ kích cỡ tụ tập trên con sông Cần Thơ để buôn bán trao đổi hàng hóa. Từ rau củ, trái cây, hoa, thậm chí là cả đồ gia dụng. Mỗi thuyền chuyên biệt một đến hai loại sản phẩm. Và khách hàng có thể nhận ra nhờ vào “cây bẹo” – một cây sào dài treo loại sản phẩm đặc trưng được dựng ở bên hông thuyền.
Là một khu chợ bán sỉ, chợ Cái Răng bắt đầu họp từ rất sớm, khoảng 3 đến 4 giờ sáng. Nhưng chợ chỉ thực sự nhộn nhịp khi mặt trời bắt đầu lên. Hàng trăm chiếc thuyền tề tựu về đây, mang theo sản vật từ khắp mọi ngóc ngách của miền Tây sông nước. Chợ vô cùng náo nhiệt, đầy ắp âm thanh của người mua kẻ bán. Xen lẫn vào đó là tiếng xuồng máy, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền. Màu sắc của hoa quả trên thuyền cũng sặc sỡ và bắt mắt. Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động đầy màu sắc. Đến khoảng 9 giờ, chợ bắt đầu vãn dần. Một số thuyền trở về nhà (nếu bán hết). Số khác tiếp tục cuộc hành trình lên Sài Gòn, hoặc ngược dòng Mekong qua Campuchia.



2. Chùa chiền ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tôm cá và phù sa màu mỡ không phải là những sản vật duy nhất mà dòng Mekong ban cho vùng sông nước Cửu Long. Do điều kiện sống thuận lợi nên người Việt, Chăm, Khmer và thậm chí là cả người Hoa đã đến đây lập nghiệp. Họ mang theo những tập tục, tôn giáo khác nhau, biến vùng đất Chín Rồng thành một nơi giao lưu văn hóa. Và có lẽ không nơi nào thể hiện tốt hơn sự đa dạng này bằng những công trình tôn giáo.
2.1 Chùa Ông
Nằm bên dòng sông Cần Thơ, chùa Ông có lẽ là kiến trúc Trung Hoa tiêu biểu nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chùa vốn là hội quán của người Hoa từ Quảng Đông, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ thứ 19. Nhưng do ở chính điện thờ Quan Công nên người dân quen miệng gọi là chùa Ông. Bên cạnh Quan Công, đây còn là nơi thờ Bà Thiên Hậu, cũng như Phật Bà Quan Âm.
Cũng giống như những hội quán người Hoa ở Hội An, chùa Ông đặc trưng bởi kiến trúc đầy màu sắc, sặc sỡ tươi vui. Họa tiết trang trí cũng rất đặc sắc. Đa phần được làm bằng sành sứ vô cùng tinh xảo. Bên trong cũng được đầu tư rất công phu, với giếng trời và nội thất gỗ khảm xà cừ lộng lẫy.





2.2 Chùa Vĩnh Tràng
Độc đáo không kém chùa Ông chính là chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho. Ngôi chùa này đặc trưng bởi kiến trúc pha trộn Á Âu với mặt tiền lộng lẫy như một dinh thự châu Âu. Bao gồm cả ban công, mái vòm và những họa tiết nổi bằng thạch cao. Những chữ chạm khắc lại theo phong cách Trung Hoa, còn phần chóp lại mang dáng dấp của những ngôi đền ở Angkor.
Khi vào bên trong, kiến trúc nước ngoài nhường chỗ cho kiến trúc truyền thống Việt Nam. Toàn bộ nội thất đều bằng gỗ và được chạm khắc với họa tiết long phụng. Ở khu vực giếng trời còn có đặt một hòn non bộ lớn. Tuy nhiên, một vài yếu tố Tây phương, như đèn chùm, gạch men hay kính màu cũng được khéo léo thêm vào, khiến chùa Vĩnh Tràng trở nên có một không hai.






3. Nhà cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long
Vẻ đẹp xưa của vùng sông nước Cửu Long không chỉ giới hạn ở chợ nổi hay những ngôi chùa cổ. Nó còn được thể hiện rõ nét qua những ngôi nhà cổ còn sót lại. Những ngôi nhà này thường là di sản của một gia tộc, được truyền từ đời này qua đời khác. Một số công trình mang dấu ấn của thời kì Pháp thuộc. Một số khác lại bảo tồn được lối kiến trúc truyền thống.
3.1 Nhà cổ Bình Thủy
Được xây vào năm 1870, nhà cổ Bình Thủy là di sản của nhà nhọ Dương tại Cần Thơ. Họ đã kết hợp những yếu tố châu Âu vào cấu trúc nhà truyền thống của Việt Nam, tạo nên một kiểu kiến trúc vô cùng độc đáo. Một biệt thự kết hợp Á Âu, với mái ngói âm dương, cửa sổ màu xanh ngọc và những họa tiết trang trí cầu kì. Ngôi nhà được tô điểm bởi những chậu hoa sứ và hoa xương rồng. Chúng tương phản với bức tường màu vàng nhạt đặc trưng của thời kì Pháp thuộc.
Bậc tam cấp tinh tế dẫn tôi vào một phòng khách rộng lớn được bà trí cầu kì. Toàn bộ nội thất gỗ ở đây đều được chạm khắc tinh xảo. Trên tường có treo những bộ chén kiểu và tranh khắc được dát vàng hoặc khảm xả cừ rất bắt mắt. Tất cả thể hiện sự giàu sang và quyền lực của chủ nhân căn nhà thời bấy giờ.





3.2 Nhà cổ Ông Kiệt
Cổ xưa hơn cả nhà cổ Bình Thủy là nhà cổ ông Kiệt ở Cái Bè, Tiền Giang. Được xây vào năm 1838, căn nhà này ẩn mình trong một khu vườn trái cây xanh mướt. Căn nhà hoàn toàn theo kiến trúc truyền thống, bao gồm năm gian được chống đỡ bởi 108 trụ làm bằng gỗ căm xe.
Tất cả tường, cửa ra vào cũng đều được làm bằng gỗ và được chạm khắc với họa tiết hình học và hình hoa vô cùng tinh tế. Bên trong nhà còn có một số đồ nội thất từ thời xưa, như phản gỗ, đèn dầu hay bộ ấm chén.





Cháu có nhuận sắc không mà nhà cổ màu đẹp quá. Cô đến nhà của ông gì trong phim Người Tình thấy nó tiêu điều quá.
Dạ màu thật đó cô, cháu không chỉnh gì cả 🙂 Người trông nhà nói là phần mặt tiền mới được sơn phết lại vào cuối năm 2019. Bên trong thì vẫn chưa trùng tu nhiều.
Chùa Ông giống mấy hội quán ở SG, có hàng gốm Cây Mai đẹp ghê ha em
Giờ chị nói em mới biết gốm đó có tên là Cây Mai đó chứ 🙂 Trước giờ em chỉ biết gọi nó là gốm Trung Hoa thôi. Công nhận họ làm tinh xảo thiệt!
http://www.covatvietnam.info/co-vat-chat-lieu-gom/tim-hieu-ve-gom-cay-mai/
Em đọc thêm bài này nha
Thanks chị. Bài viết rất hữu ích. Đọc xong e mới biết mấy cái gốm này toàn hàng Made in Saigon đấy chứ 🙂