Nếu như chỉ có thể dùng một từ để miêu tả về Milan, thì “xa hoa” có lẽ là từ ngữ phù hợp nhất. Từ thánh đường Duomo bằng đá cẩm thạch đến khu thương mại Galleria Vittorio Emanuele II, xa hoa là một phần tất yếu của đô thị lớn nhất vùng Bắc Ý này.
Với vị trí địa lí thuận lợi – gần vùng hồ trên núi và địa hình tương đối bằng phẳng – Milano (hay Milan) từ xưa đã là một nơi cư trú lí tưởng. Bộ tộc Celtic là những người đầu tiên sinh sống trên vùng đất này. Tiếp theo đó là người La Mã, người Lombard, rồi đến người Ý. Cho đến đầu thế kỉ 16, Milano vẫn thuộc quyền sở hữu của những gia tộc như Torriani, Visconti và cuối cùng là Sforza. Đến năm 1525, thành phố rơi vào tay người Tây Ban Nha. Và sau đó nó trở thành một phần của vương quốc Áo.
Ngày nay, Milano là thành phố lớn thứ hai của Ý. Đây là một trung tâm kinh tế với nhiều ngành công nghiệp chủ đạo. Ngay cả sàn chứng khoán lớn nhất nước cũng được đặt ở Milano. Bên cạnh đó, thành phố này còn là một trong bốn kinh đô thời trang của thế giới, sánh ngang với Paris, London và New York.
1. Duomo di Milano
Về độ xa hoa, khó có gì ở Milano có thể sánh được với thánh đường Duomo. Với 135 tòa tháp cao vút và khoảng 3400 bức tượng được tạc ở trong và ngoài thánh đường, Duomo trông như một vương miện giữa lòng thành phố. Thánh đường mang phong cách Gothic được xây bằng đá hoa cương hồng của vùng Candoglia. Theo ước tính, người ta đã mất gần 600 năm để hoàn tất kì quan này.
Lúc công trình được bắt đầu xây dựng, nhiều người cho rằng đề án này là phi thực tế. Lí do là vào thời điểm đó không có cách nào để vận chuyển một số lượng vật liệu khổng lồ từ Candoglia (cách Milano 100 km) vào trung tâm thành phố. Những kênh đào đã được tạo nên và kèm theo đó là những kĩ thuật mới. Do đó, Duomo không chỉ thể hiện sự xa hoa. Nó còn thể hiện sức sáng tạo và cầu tiến của người dân Milano.




2. Galleria Vittorio Emanuele II
Đối với những ai yêu mua sắm, Galleria Vittorio Emanuele II ở Milano có thể sánh ngang với thánh đường Saint Peter ở Rome. Cũng như thánh đường Duomo, khu thương mại này là một phần không thể thiếu của thành phố. Công trình này thể hiện sự giàu sang và sành điệu của một nơi được mệnh danh là kinh đô thời trang của thế giới.
Được xây dựng vào thế kỉ 19, Galleria Vittorio Emanuele II là một trong những khu thương mại lâu đời nhất thế giới. Nó chỉ được xây sau Saint Hubert Gallery ở Brussels, Passazh ở Saint Petersburg và Galleria Umberto I ở Naples. Tuy nhiên, khu thương mại này lại vượt xa các “bậc tiền bối” về qui mô và sự tráng lệ. Đặt chân vào đây như bước vào thế giới của thời trang cao cấp với những cửa hàng xa hoa lộng lẫy. Thêm vào đó là những quán cafe và hiệu ăn cổ kính. Thực sự là một nơi đáng để ngắm nhìn.




3. Lâu đài Sforzesco
Về độ xa hoa thì lâu đài Sforzesco khó có thể bì được với những địa danh ở trên. Nhưng tòa lâu đài này lại là một phần lịch sử của Milano. Được xây dựng vào khoảng thế kỉ 14, lâu đài này đặc trưng bởi tường thành kiên cố và ba tháp canh cực kì ấn tượng. Bên trong là một khoảng sân rộng được bao bọc bởi những loggia đậm phong cách Ý.
Trong suốt chiều dài lịch sử, lâu đài Sforzesco đã được cải tạo nhiều lần. Lần đầu là vào thế kỉ 15 khi Công tước xứ Milan, Francesco Sforza, biến nơi này thành một cung điện bề thế. Đến khi thành phố rơi vào tay người Tây Ban Nha, Sforzesco trở lại với vai trò là một pháo đài phòng thủ. Người Tây Ban Nha thậm chí còn cơi nới công trình này, biến nó trở thành một trong những thành lũy lớn nhất châu Âu thời bấy giờ. Ngày nay, lâu đài đã trở thành một viện bảo tàng, nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật mà nhà Sforza sưu tầm được.


Kinh nghiệm du lịch Milano
- Thánh đường Duomo và Galleria Vittorio Emanuele II đều nằm trong trung tâm thành phố. Tram số 1 và 3 đều đi qua đây.
- Tầng mái của thánh đường có thể đi lên bằng thang máy (13€) hay cầu thang bộ (9€). Quầy vé nằm bên phải của cổng chính.
Hết dịch chị phải quay lại Châu Âu, đi lại Ý và Tây Ba Nha
Em cũng vậy. Lần trước đi Ý mà chưa đi Rome (hơi nhục haha). Lúc đó vẫn còn cái suy nghĩ nghĩ lần khác đi cũng được. Hai nước này em thấy đồ ăn đều ngon. Không giống như mấy nước Đông Âu. Cứ tựa tựa nhau 🙂