Giữa vùng rừng núi Tây Bắc trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang chín vàng ở Mù Cang Chải hiện lên như một tác phẩm nghệ thuật. Khung cảnh thực sự choáng ngợp, nó khiến bất cứ ai đến đây đều không khỏi trầm trồ kinh ngạc.
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 300km về phía Tây Bắc, Mù Cang Chải là điểm đến yêu thích của nhiều du khách vào mỗi độ thu về. Vùng đất xa xôi của tỉnh Yên Bái được biết đến như một trong những địa điểm đẹp nhất Việt Nam để ngắm ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang là một nét đẹp văn hóa của người H’Mông. Từ nhiều thế kỉ trước, họ đã nghĩ ra cách canh tác này vì một lí do rất đơn giản: để trồng lúa.
Thông thường lúa chỉ phát triển trong điều kiện ngập nước. Do đó, những vùng đồng bằng như Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt thích hợp cho giống cây trồng này. Tuy nhiên, để trồng lúa trong điều kiện đồi núi thì người nông dân phải nghĩ ra cách để làm chậm dòng nước đổ xuống. Và thế là ruộng bậc thang ra đời. Mỗi bậc thang hoạt động như một hồ chứa và người nông dân có thể kiểm soát được việc giữ và tháo nước.


1. Tú Lệ
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình Tây Bắc của tôi là Tú Lệ – một thung lũng thơ mộng nằm cách trung tâm Mù Cang Chải khoảng 50km. Thung lũng này đặc trưng với những cánh đồng lúa bạt ngàn, bao quanh bởi những rặng núi cao. Những thửa ruộng bậc thang ở đây khá thấp, chỉ vài ba tầng. Giữa khung cảnh xanh tươi ấy là một dòng suối lớn. Nó cung cấp nước tưới tiêu cho toàn khu vực.
Nếp Tú Lệ đã trở thành một thương hiệu nức tiếng gần xa.
Ngắm nhìn Tú Lệ ngày nay, khó ai tin được nó từng là một vùng trồng thuốc phiện cực lớn. Chừng 30 năm trước thôi, thung lũng này khét tiếng đến độ nó được mệnh danh là “vương quốc hoa anh túc”. Những cánh đồng cây thuốc phiện kéo dài vô tận. Hầu như nhà nào cũng trồng và sử dụng loại cây này. Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi vào những năm 90 khi cây thuốc phiện bị cấm hoàn toàn. Những đồn điền anh túc bị buộc phá bỏ và thay thế bằng những cánh đồng lúa năng suất cao.
Đến hôm nay thì sự thay đổi đã trở nên rõ rệt. Lương thực không chỉ đủ ăn, mà người dân còn có thể thoát nghèo nhờ bán những nông sản mà họ trồng được. Trên thực tế, nếp Tú Lệ đã trở thành một thương hiệu nức tiếng gần xa. Và cốm Tú Lệ cũng được đánh giá là một trong những loại cốm hảo hạng.







2. Đèo Khau Phạ
Sau Tú Lệ, tôi tiếp tục hành trình đến đèo Khau Phạ. Với chiều dài hơn 30km, đèo Khau Phạ là một trong Tứ đại đỉnh đèo vùng Tây Bắc. Từ trên đỉnh có thể ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng bên dưới. Nhưng rất không may là tôi đã đến đây vào một ngày mây mù. Ở độ cao từ 1200 đến 1500m, đèo Khau Phạ rất hay bị mây che phủ. Mây trắng xóa đến độ không thể thấy gì nếu đứng cách xa hơn 20m.
3. Mù Cang Chải
Vừa qua khỏi đèo Khau Phạ, khung cảnh đột nhiên thay đổi. Hình ảnh những thửa ruộng bằng phẳng có phần thân thuộc đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là những bức tường ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang ở đây cao đến nỗi nó khiến ta có cảm giác như có thể chạm đến bầu trời bên trên. Thu về khiến cảnh sắc ở đây càng thêm thi vị. Những ruộng lúa xanh mơn mởn dần ngả sang màu vàng ươm, biến cả một vùng thung lũng thành một tuyệt tác.
Tổng cộng có khoảng 2.200ha ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. 500ha trong số đó được công nhận là di sản quốc gia. Chúng tập trung chủ yếu quanh ba bản: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Đường lên ba bản này khá khó đi (chỉ xe máy mới đi được) nhưng khung cảnh thì thực sự đẹp đến nao lòng.





Wow, Len, those rice terraces are incredible! I’ve seen some impressive ones in Indonesia, but these appear to be even steeper. It’s remarkable how people can make the most of challenging terrain. Interesting to read about the successful transition from opium growing to rice growing. When I finally get to Vietnam I definitely want to visit this area.
A must-go if you are into rice terraces 🙂 If I remember correctly there are many beautiful hiking routes in the area. Visitors will be guided through mountains, villages and certainly lots of rice terraces.
VietNam thật đẹp
Nếu nói về phong cảnh thiên nhiên thì đúng là VN không thua ai cả 🙂 Cảm ơn bạn đã comment