Nép mình giữa những rừng tuyết tùng xanh mướt, trên độ cao 800m so với mực nước biển, Kōyasan (hay núi Koya) từ xưa đã được biết đến như là một trong những nơi linh thiêng nhất Nhật Bản. Ngọn núi là trung tâm của Shingon (Chân Ngôn Tông), một môn phái Phật Giáo có xuất xứ từ Trung Hoa được truyền bá đến Nhật Bản vào những năm đầu thế kỉ thứ chín bởi Kōbō Daishi (Không Hải Đại Sư).
Được sự cho phép của Hoàng Đế Saga, Không Hải Đại Sư đã bắt đầu xây dựng nên trung tâm đầu tiên của Chân Ngôn Tông trên núi Koya vào năm 816. Theo truyền thuyết, ông đã chọn vị trí này vì địa thế của nó giống như một hoa sen, với 8 đỉnh núi tượng trưng cho tám cánh của đóa hoa.
Với hàng trăm đền chùa, núi Koya ngày nay vẫn giữ vai trò là trung tâm Phật Giáo lớn nhất của Nhật Bản, thu hút hàng ngàn lượt người tham quan mỗi năm. Đồng thời đây cũng là một nơi để du khách tĩnh tâm và tìm kiếm sự yên bình.




1. Đền Kongobuji
Ngôi đền Kongobuji (Kim Cương Phong Tự) được xây dựng vào năm 1593 theo lệnh của lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi nhằm tưởng nhớ người mẹ đã mất của ông. Không lâu sau đó, khi số lượng người theo Chân Ngôn Tông tăng cao, ngôi đền này hợp nhất với một vài đền chùa lân cận tạo nên hội sở chính của đạo giáo này.
Đền Kongobuji được biết đến với phong cách trang trí truyền thống nhưng sang trọng. Đồng thời, ngôi đền cũng là nơi đặt khu vườn đá nổi tiếng, Banryu-tei.



2. Danjo Garan
Nằm cách Kongobuji vài bước chân là Danjo Garan (Đàn Thượng Già Lam) – hội sở đầu tiên của Chân Ngôn Tông. Được bắt đầu xây dựng vào năm 816 bởi Không Hải Đại Sư, Danjo Garan là một phức hợp bao gồm nhiều chùa và đền đài. Trọng tâm của khu vực này là hội trường Kondo (Kim Đường) nơi tổ chức những nghi lễ quan trọng và tòa tháp Daito (Đại Tháp) cao 49m, được sơn màu đỏ son.
Mặc dù Không Hải Đại Sư đã bắt đầu xây dựng tòa tháp này từ những năm đầu tiên, nhưng tòa tháp vẫn chưa được hoàn thành khi ông mất. Mãi đến 70 năm sau, công trình này mới được hoàn thành. Bên trong tháp có đặt một bức tượng khổng lồ của Phật Dainichi (Phật của Vũ Trụ), vị thần chính của Chân Ngôn Tông.



3. Okunoin
Một địa điểm khó có thể bỏ qua khi đến núi Koya chính là nghĩa trang Okunoin (Áo Viện) nằm ở phía Đông thị trấn. Nghĩa trang này kéo dài khoảng hơn hai cây số, xuyên qua những hàng tuyết tùng hàng trăm năm tuổi và hơn 200.000 bia đá phủ rêu phong. Nhiều danh nhân của Nhật Bản đã an nghỉ tại đây, như vị lãnh chúa Oda Nobunaga – người có công rất lớn trong việc thống nhất đất nước, hay nhà sáng lập của các tập đoàn kinh tế lớn như Panasonic hay Kirin.
Nổi tiếng nhất (và đồng thời cũng là linh thiêng nhất) là lăng mộ của Không Hải Đại Sư nằm ở cực Đông của nghĩa trang. Tương truyền, vị đại sư này đã không chết mà chỉ rơi vào trạng thái thiền bất tận để chờ ngày xuất hiện của Phật Miroku (Phật của Tương Lai), người sẽ cứu rỗi nhân gian.




Kinh nghiệm du lịch núi Koya
- Núi Koya nằm cách thành phố Osaka khoảng 50km về phía Nam. Bạn có thể đi đến đây dễ dàng bằng tàu lửa Nankai, xuất phát từ ga Namba. Hành trình mất khoảng 2,5 tiếng. Lưu ý: JR Pass không sử dụng được trên tuyến đường này.
- Từ ga Namba, đi tàu Express hoặc Rapid Express (870¥, một chiều) đến ga Gokurakubashi. Phần lớn các tàu đều phải chuyển tại trạm Hashimoto. Ngoại lệ duy nhất là tàu Limited Express, tuy nhiên giá vé là 1650¥, một chiều. Từ ga Gokurakubashi, cáp treo sẽ đưa du khách lên đỉnh núi (390¥, một chiều). Từ đó, đi bus vào trung tâm thị trấn (giá vé từ 290¥, một chiều).
- Nếu bạn không muốn mua từng vé riêng lẻ, thì Kansai Thru Pass là một lựa chọn thích hợp. Cũng tương tự như JR Pass, thẻ này cho phép bạn sử dụng tất cả các phương tiện công cộng trong khu vực Kansai trong vòng 2 hay 3 ngày (không cần liên tục), bao gồm cả tàu điện ngầm ở Osaka và Kyoto. Hạn chế duy nhất của pass này là chỉ có thể sử dụng trên phương tiện không thuộc JR.
- Vì nằm ở độ cao 800m, núi Koya khá là lạnh. Do đó bạn nên mang theo đồ ấm, ngay cả khi đi vào mùa xuân hay hè.