Ẩn mình giữa núi rừng trùng điệp, Yên Tử từ lâu đã được biết đến như một vùng đất linh thiêng. Đây là cái nôi của Trúc Lâm, Thiền phái đặc trưng nhất của Việt Nam kết hợp Phật giáo vào đời sống thường nhật.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được sáng lập bởi Vua Trần Nhân Tông, người đã hai lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỉ 13. Sau khi thoái vị vào năm 1294, Người đã truyền ngôi và lên đường đi tìm sự khai sáng. Đến năm 1299 thì Người đã đến Yên Tử và trở thành một đệ tử nhà Phật. Người đã tu tại đây và cho lập nên một tăng viện. Sau khi nhà vua băng hà vào năm 1308, đệ tử của người tiếp tục mở rộng tăng viện, trở thành một khu phức hợp với nhiều đền tháp, chùa chiền.
Những công trình này cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật là minh chứng cho tinh hoa của người Việt thời bấy giờ. Nó cũng cho thấy sự phát triển của Phật giáo ở Việt Nam vào khoảng thế kỉ 14. Sau này, khi đạo Khổng trở thành tôn giáo chính trong triều đình, vị thế của Trúc Lâm, và theo đó là Yên Tử bắt đầu thoái trào. Đền thờ, miếu mạo bi bỏ bê, với nhiều công trình nay chỉ còn lại trong sử sách. Ngày nay, nhiều đền đài đã được phục dựng lại để ta có thể hình dung được vẻ đẹp của một trung tâm tôn giáo quan trọng thời xưa.
Hành trình lên đỉnh Yên Tử
Với khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, núi Yên Tử được chọn làm nơi du ngoạn của nhiều người. Trong khi đó, người hành hương thì cho rằng việc leo lên đến đỉnh núi là một nhiệm vụ để đời. Và hành trình này chứng tỏ lòng thành của họ đối với Đức Phật. Do đó, bạn sẽ bặt gặp nhiều cụ già lớn tuổi cũng leo những bậc thang dốc đứng này.
Toàn bộ hành trình từ chân núi lên đến đỉnh dài khoảng 6 km với độ cao lên đến 1000m, bao gồm hàng ngàn bậc thang. Đa số đều không bằng phẳng. Kể từ đầu những năm 2000, một hệ thống cáp treo được xây dựng để đưa du khách lên núi Yên Tử. Mặc dù vậy, cáp treo không đưa bạn thẳng lên đến đỉnh. Hệ thống bao gồm hai chặng, và việc di chuyển giữa các trạm này cũng khá là xa. Đoạn cuối gần đỉnh núi còn không có đường đi rõ rệt.





1. Huệ Quang Tháp
Lướt qua những tán cây xanh mướt, tuyến cáp treo đầu tiên đưa tôi lên độ cao hơn 500m, khoảng giữa núi Yên Tử. Tại đây sừng sững giữa những cây cổ thụ là kiến trúc lâu đời nhất trong toàn bộ quần thể Yên Tử, Huệ Quang Tháp. Tháp được xây vào năm 1309 để cất giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhưng qua thời gian, tháp được tu sửa nhiều lần. Và lần gần đây nhất là vào thế kỉ 18.
Tòa tháp cao 7m là một ví dụ điển hình cho kiến trúc đền tháp thời Trần, với nhiều tầng mái từ to đến nhỏ và đỉnh có hình búp sen. Chân tháp cũng được trang trí với hình ảnh hoa sen cách điệu, mây và rồng cuộn. Xung quanh tháp chính là 97 tháp nhỏ hơn để lưu giữ hài cốt của những đại sư Thiền phái Trúc Lâm.





2. Chùa Hoa Yên
Từ Huệ Quang Tháp, một cầu thang dẫn du khách lên chùa Hoa Yên, trái tim của núi Yên Tử. Bắt đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ dưới thời Lý, nơi đây đã phát triển thành một ngôi chùa dưới thời Vua Trần Nhân Tông. Ngài cho mở lớp dạy thiền và thu hút nhiều đệ tử, trong đó có Pháp Loa và Huyền Quang. Sau khi trở thành trụ trì đời thứ hai, Pháp Loa cho mở rộng Hoa Yên thành một quần thể đền chùa, với phòng thờ, chỗ nghỉ cho khách, tháp chuông và thậm chí là cả một nhà in.
Rất tiếc là thời gian và hỏa hoạn đả thiêu rụi phần lớn quần thể này. Những gì còn sót lại chỉ là hai tượng sư tử (có lẽ là phần đế của một kiến trúc nào đó) và một bia đá chạm hình Tam Tổ của Trúc Lâm. Một đợt trùng tu đã diễn ra vào năm 2002, nhưng quy mô của chùa hiện nay không thể sánh với Hoa Yên xưa. Bên trong chính điện là bàn thờ nơi đặt tượng vua Trần Nhân Tông và những nhân vật lịch sử khác. Ngôi chùa được bao quanh bởi vô số cây xanh càng làm tăng vẻ đẹp của chốn linh thiêng này.




3. Chùa Một Mái
Chặng tiếp theo trong hành trình lên Yên Tử là một kiến trúc cực kì độc đáo, chùa Một Mái. Như tên gọi của nó, ta chỉ thấy một mái lộ bên ngoài. Mái còn lại ẩn sâu trong hang đá, rất khó để nhìn thấy. Ngôi chùa được xây sau khi vua Trần Nhân Tông giác ngộ và Ngài thường đến đây để nghiên cứu kinh thư.
Bên trong là một điện thờ nhỏ với tượng của Phật Tổ và cả Phật Hoàng. Tất cả đều được làm từ cẩm thạch trắng có niên đại từ cuối thời Lê hay đầu thời Nguyễn. Trong góc của ngôi chùa độc đáo này có một dòng suối được cho rằng có khả năng trị bệnh. Dòng nước mát lạnh này chưa bao giờ khô hạn, thậm chí là vào mùa khô.




4. Chùa Đồng
Phần khó đi nhất trong chuyến hành trình bắt đầu lúc tôi bước ra khỏi tuyến cáp treo số hai. Vô số bậc thang uốn khúc dẫn lên đỉnh núi. Hai bên là cây bụi, cây gỗ và thậm chí là những bụi trúc. Tôi còn nhớ có hỏi chuyện một cụ bà. Cụ đang trên đường xuống. Lưng cụ hơi còng nhưng rất nhanh so với tuổi. Cụ nói đã 80 tuổi và bắt đầu leo từ 4 giờ sáng nên bây giờ đã xuống rồi. Cụ cười rồi bước tiếp xuống những bậc thang dá. Tình thần của cụ thật khiến tôi khâm phục.
Gần đến đỉnh, những bậc thang biến mất. Thay vào đó là những viên đá to tướng. Và tôi dường như phải dò dẫm trên đó để đến điểm cao nhất là chùa Đồng. Đúng như tên gọi, chùa được làm từ hợp kim đồng, cao 4,6m và rộng 3,6m, với trọng lượng lên đến 70 tấn. Phiên bản hiện tại được tạo tác vào năm 2007. Chứ chùa đồng nguyên bản nhỏ hơn nhiều và có lịch sử từ thế kỉ 15. Tuy nhiên, vào thời Trần Nhân Tông, nơi này chỉ có một phiến đá to, nơi Người ngồi thiền giữa mây núi, đất trời.



Kinh nghiệm leo núi Yên Tử
- Vịnh Hạ Long chỉ cách Yên Tử khoảng 50km. nên có thể đi hai điểm này trong cùng một chuyến. Giá taxi từ bến phà Tuần Châu đến Yên Tử khoảng 500.000 VND.
- Hệ thống cáp treo hoạt động quanh năm và chia làm hai chặng. Chặng một từ chân núi lên Huệ Quang Tháp, với quãng đường 1,2 km. Từ đây, du khách sẽ tiếp tục đi bộ qua chùa Hoa Yên, chùa Một Mái để đến được trạm cáp treo số hai. Toàn bộ vé cáp treo hai chiều là 350.000 VND.
- Tôi khuyên bạn nên thuê một hướng dẫn viên địa phương (có thể thuê ngay tại chân núi). Thông qua hướng dẫn viên bạn sẽ biết được nhiều hơn về núi Yên Tử. Hành trình theo đó mà bớt nhàm chán. Hướng dẫn viên cũng biết đường nào là tốt nhất vì nhiều đoạn chỉ đường rất khó hiểu.