Được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hào sâu và những bức tường sừng sững, thành Nijō là biểu tượng quyền lực của gia tộc Tokugawa. Gia tộc hùng mạnh này đã thống nhất và trị vì Nhật Bản trong hơn 260 năm. Nhưng đằng sau vẻ ngoài thô kệch, có phần đáng sợ đó, lại là một cung điện tráng lệ. Nơi mà bất ngờ thay đã được biến hóa thành một phòng triển lãm kimono đầy màu sắc.
Độc chiếm một khu vực rộng lớn ở phía Tây Bắc Kyoto, thành Nijō (二条城) được bắt đầu xây dựng vào năm 1603 theo lệnh của Tokugawa Ieyasu, shogun đầu tiên của triều đại Tokugawa. Mặc dù đã dời đô về Edo (Tokyo ngày nay), ông vẫn cho xây dựng một tòa thành ở cố đô nhằm phục vụ cho những chuyến vi hành. Tuy nhiên, công trình phải mất 23 năm để hoàn thành. Và cháu trai của Ieyasu là Iemitsu Tokugawa là vị shogun đầu tiên sử dụng thành Nijō.



Kiến trúc thành Nijō
Trái ngược với những tòa thành khác ở Nhật, thành Nijō không được xây cao. Nó trải rộng trên một diện tích gần 28 héc-ta và bao gồm hai vòng thành Honmaru và Ninomaru. Mỗi vòng thành đều được bao bọc bởi tường cao và hào sâu. Chúng được kết nối với nhau bằng những cánh cổng kiên cố, nhưng cũng không kém phần tinh xảo. Ở vòng thành ngoài, còn có các tháp canh sừng sững được đặt ở các góc. Tất cả đều nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của gia tộc Tokugawa hùng mạnh. Tuy nhiên, sau những bức tường thành kiên cố đó lại là một khu vườn đẹp như tranh. Có hơn 400 cây hoa anh đào được trồng tại đây. Cứ mỗi độ xuân về, chúng lại tạo nên một khung cảnh vô cùng huyền ảo.
Phần lớn du khách muốn vào thành Nijō đều phải đi qua cổng phía Đông, nằm trên trục đường chính, Horikawa Dori. Đi thêm một đoạn nữa là sẽ đến cánh cổng Karamon. Được trạm trổ với những họa tiết vô cùng tinh xảo, cánh cổng thể hiện uy quyền của dòng họ Tokugawa. Nó đồng thời cũng là lối vào chính của khu cung điện Ninomaru, nơi sinh sống và làm việc của các lãnh chúa nhà Tokugawa tại Kyoto trong gần ba thế kỉ. Cung điện đã may mắn thoát được sự tàn phá của chiến tranh và thiên tai. Do đó, phần lớn kiến trúc của cung điện, cùng nhiều chi tiết trang trí, đều được giữ gìn nguyên vẹn.





Kimono Roboto
Trong chuyến đi này của tôi, một phần cung điện Ninomaru đã được những bậc thầy về nghệ thuật thị giác (visual art) “phù phép”, trở thành một phòng triển lãm kì ảo. Mang một cái tên vô cùng độc đáo “Kimono Roboto”, mục đích của cuộc triển lãm này là nhằm tôn vinh vẻ đẹp của những bộ kimono, cũng như kĩ thuật để làm nên những bộ trang phục này. Từ chất lượng sợi vải, kĩ thuật nhuộm màu, đến họa tiết, mỗi chiếc áo là một tác phẩm nghệ thuật.
Ở vị trí trung tâm của phòng triễn lãm có đặt một con robot trong trang phục kimono đỏ, họa tiết cực kì tinh xảo. Robot này hoạt động khá linh hoạt, với những động tác mềm mại, quý phái. Nó gợi lên hình ảnh của những phụ nữ Nhật ngày xưa. Những nghệ sĩ đặt robot ở đây nhằm thể hiện tầm ảnh hưởng của kỹ thuật hiện đại lên sự sống còn của những ngành nghề thủ công. Nếu như không có những ngành nghề này có lẽ nước Nhật không thể nào có được những bộ kimono đẹp như thế.




Kinh nghiệm du lịch thành Nijō
- Trạm tàu điện ngầm gần nhất là trạm Nijōjō-mae trên tuyến metro Tozai. Từ ga trung tâm Kyoto, bạn đi metro Karasuma (tuyến màu xanh lá) đến trạm Karasuma-Oike. Sau đó, chuyển qua metro Tozai (tuyến màu đỏ) đi đến trạm Nijōjō-mae. Hành trình này mất khoảng 15 phút và giá vé là 260¥ một chiều.
- Bạn cũng có thể đi bus 5, 9 hoặc 101 từ ga trung tâm Kyoto đến trạm Nijōjō. Trạm xe bus nằm ngay bên ngoài ga. Giá vé xe bus là 230¥ một chiều và mất 15-20 phút. Nếu đi từ khu Gion, bạn đi bus 12. Chuyến đi cũng mất 15-20 phút và đồng giá 230¥ một chiều.
- Thông thường giờ mở cửa của thành Nijō là từ 8:45 đến 17:00. Tuy nhiên vào một vài dịp đặc biệt trong năm, như Lễ hội thắp sáng vào đầu tháng 4, lâu đài sẽ mở cửa thêm từ 18:00 đến 22:00.
Gặp buổi triển lãm kimono này thật là hiếm có. Ảnh đẹp quá. Cô có đến đây, chụp ảnh nhưng không có tấm nào đẹp như thế này.
Cháu cám ơn cô 🙂 Cháu cũng không ngờ là có một exhibition như thế ở trong thành. Người Nhật đúng là rất giỏi trong việc kết hợp giữa cái cũ và mới.