Tuy chỉ cách Agra có 120km, thành phố Gwalior lại chỉ đón tiếp một lượng rất nhỏ du khách. Chẳng mấy ai biết đến thành phố này, đặc biệt là những du khách lần đầu đu lịch Ấn Độ. Tuy nhiên, ai đến đây rồi cũng sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tráng lệ của pháo đài và cung điện nơi đây.
“Bạn đến đây vì công việc à?” Đó là câu hỏi tôi thường nghe khi đặt chân đến thành phố Gwalior. Từ bác tài xế, anh hướng dẫn viên cho đến một người khách trong hotel, họ có vẻ khá ngạc nhiên khi thấy một du khách đến đây, ra khỏi cung đường du lịch truyền thống. Lúc đầu, những câu hỏi này khiến tôi nghi ngại về quyết định đi Gwalior cả mình. Nhưng khi trông thấy pháo đài oai vệ sừng sững phía trên thành phố, tôi biết mình đã đúng.
Theo truyền thuyết, pháo đài Gwalior được xây để tôn vinh Gwalipa – một tu sĩ bí ẩn sống vào thế kỉ thứ 8. Ông đã có công chữa bệnh phong cho một lãnh chúa địa phương. Theo thời gian, pháo đài phát triển dần thành một thành phố, kết nối vùng phía Bắc và Trung Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng vì vị trí đắc địa mà thành phố Gwalior trở thành mục tiêu tranh giành của các thế lực khác nhau, bao gồm những tiểu vương xứ Rajasthan, sultan từ Delhi, hoàng đế Mogul, và sau cùng là nhà Scindia thuộc đế chế Maratha.



1. Pháo đài Gwalior
Tọa lạc trên một cao nguyên giữa lòng thành phố, pháo đài Gwalior khiến tôi không khỏi kinh ngạc. Đây từng là một trong những tuyến phòng thủ kiên cố nhất Ấn Độ, với tường thành dày chạy dọc theo những vách đá cao vút. Trên đó là hàng loạt tháp canh và vọng gác. Pháo đài kiên cố đến mức ngay cả Babur, hoàng đế Mogul đầu tiên, phải thừa nhận rằng “đây là đỉnh cao trong việc xây thành của người Ấn”.
Đằng sau những bức tường thành sừng sững ấy là công trình từ nhiều thời đại khác nhau. Có cung điện, đền đài, bể chứa nước và cả một trường tư thục danh giá thành lập vào thế kỉ 19. Tất cả đều được giữ ở điều kiện khá tốt và mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Những công trình này đại diện cho quá khứ huy hoàng của những vị vua Hindu, cũng như tài năng và kĩ thuật của con người thời bấy giờ.

1.1 Cung điện Man Mandir
Có lịch sử từ thế kỉ 15, cung điện Man Mandir là điểm hấp dẫn nhất trong quần thể pháo đài. Nó được xây dựng vào thời kì vàng son của thành phố Gwalior, thời vua Maharaja Man Singh của triều đại Tomara. Vị vua này là một người am hiểu kiến trúc, nghệ thuật và âm nhạc. Chính vì thế mà cung điện của ông cũng không kém phần độc đáo như vậy. Cung điện bao gồm bốn tầng. Hai tầng trên sử dụng vào lúc thời tiết mát mẻ với sân hiên, ban công và màn che. Trong khi đó, hai tầng hầm để ở vào mùa hè. Tường dày và hệ thống thông gió hiệu quả cho phép người ta có thể chịu được sức nóng. Bốn tầng liên kết với nhau bằng một hệ thống mật thất, cầu thang và hành lang khiến nơi này như một mê cung thực thụ.
Về phần trang trí, cung điện Man Mandir là minh chứng rõ ràng cho sự điệu nghệ của người Ấn. Mosaic làm từ gạch men vàng, xanh lá và xanh lam được dùng để trang trí tường ngoài. Bên trong thì những cột trụ, chỗ cắm đuốc, hay màn che đều được chạm trổ vô cùng tinh tế. Không giống như kiến trúc Mogul, họa tiết động vật được sử dụng rộng rãi. Có những con thú bình thường như vịt, cá sấu hay công. Nhưng cũng có những sinh vật thần thoại với thân sư tử nhưng đầu voi hoặc rồng. Chúng đại diện cho ảnh hưởng của Á Đông lên kiến trúc xưa, kết quả của việc giao thương bùng nổ thời bấy giờ. Phần duy nhất không có trang trí là hai căn hầm hình trụ được biến thành nhà tù dưới thời kì Mogul.









1.2 Cụm đền Sas-Bahu
Một đoạn ngắn từ cung điện Man Mandir là cụm đền Sas-Bahu xây dựng vào khoảng thế kỉ 11. Cụm đền này bao gồm hai cấu trúc hình kim tự tháp. Đây là những di sản của nhà Kachchhapaghata – vương tộc từng trị vì thành phố Gwalior cổ đại. Hai ngôi đền được làm từ sa thạch, bao gồm một lớn và một nhỏ. Tuy tên của đền có nghĩa là “mẹ chồng” (Sas) và “con dâu” (Bahu) nhưng chẳng có vương phi hay hoàng hậu nào được tôn thờ ở đây cả. Thay vào đó, đây là nơi thờ thần Vishnu và một hình dạng khác của thần gọi là Padmanabha. Người ta cho rằng Sas-Bahu có lẽ là tên viết tắt của Sahastra Bahu, một tên gọi khác của Vishnu có nghĩa là một ngàn cánh tay.
Hai ngôi đền có vẻ ngoài tương tự và được đặt sát cạnh nhau. Tuy nhiên, đền lớn thì có một điện chính và ba gian nhỏ xung quanh. Đền nhỏ thì chỉ có một điện chính thông suốt với một tiền sảnh. Cũng giống như hầu hết những ngôi đền Hindu hay Jain trong khu vực, đền Sas-Bahu bị tổn hại nặng nề do chiến tranh tôn giáo. Bàn thờ chính đã bị hủy hoại nhưng du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tinh xảo của nội thất bên trong. Vô số phù điêu được chạm khắc lên cột nhà, tường và cả trên trần nhà. Chủ đề thì rất đa dạng, từ động vật, vũ công, nhạc sĩ, đến những họa tiết hình hoa hay hình học phức tạp.






1.3 Đền Teli-ka-Mandir
Lâu đời hơn cả cụm đền Sas-Bahu là Teli-ka-Mandir – một ngôi đền tráng lệ được xây dựng trong khoảng thế kỉ thứ 8 đến đầu thế kỉ thứ 9. So với những công trình còn lại trong pháo đài Gwalior, ngôi đền này có kiến trúc rất khác biệt. Nó kết hợp cả kiến trúc Bắc và Nam Ấn, bao gồm một tòa tháp bằng gạch nung, với mái cong hình trụ; gợi nhớ cho tôi tháp Chăm ở Việt Nam. Một vài bậc tam cấp dẫn vào bên trong đền thờ nơi có một sảnh chờ và chính điện.
Với thiết kế ban đầu là nơi là để thờ thần Vishnu, đền Teli-ka-Mandir đầy ắp những biểu tượng của thần, từ hình tượng rắn cuộn mình, cặp đôi, nữ thần nước, đến cả Garuda – linh thú của thần Vishnu. Chúng được chạm khắc trên vòm cửa chính. Những phần còn lại thì được trang trí đơn giản hơn với họa tiết hoa lá và hình người. Rất không may là những phù điêu này đều bị mất mặt do sự tấn công của quân Hồi giáo. Đền Teli-ka-Mandir được phục chế vào thế kỉ 19. Tuy nhiên, một linga – biểu tượng của thần Shiva – lại được đặt trong đền.




1.4 Hang đá Siddhachal
Trên đường xuống, tôi dừng chân tại Siddhachal – một nhóm những bức tượng Jain được đục vào núi đá, tạo nên những hang động nhỏ. Đây là vị trí phổ biến nhất trong tổng số năm nhóm tượng được khắc trên đồi của pháo đài Gwalior. Những bức tượng này được tạo ra từ khoảng thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ 15, thể hiện hình ảnh của 24 vị cứu tinh trong đạo Jain gọi là Tirthankara. Nhìn thì có vẻ khá giống tượng Phật nhưng họ lại không mặc y phục. Những bức tượng được khắc trong tư thế thiền đứng hoặc thiền ngồi vắt chân thế tòa sen.
Cùng chung số phận với những ngôi đền Hindu giáo, những pho tượng huyền bí này cũng bị phá hoại. Phần lớn phần mặt và đầu đều bị đập bỏ. Nhưng vẫn còn may mắn vì không bị phá hủy hoàn toàn như những tượng Phật ở Bamiyan, Afghanistan. Chỉ có phần phù điêu dưới chân tượng là còn nguyên vẹn. Dựa trên họa tiết trên phù điêu mà những nhà khảo cổ có thể phân biệt những vị Tirthankara. Ngày nay, cộng đồng Jain vẫn đang tiếp tục tôn tạo lại những bức tượng này. Họ đắp thạch cao và cẩn thận gọt giũa lại từng đường nét trên tượng.




2. Cung điện Jai Vilas
Sau khi đế chế Mogul lụi tàn vào thế kỉ 17, một đế chế mới gọi là Maratha đã giành quyền kiểm soát một phần lớn lãnh thổ Tiểu lục địa Ấn Độ. Nhưng thay vì tập trung quyền lực về một chỗ, những vị hoàng đế Maratha trao quyền tự trị cho một số tướng lĩnh, tạo nên một Liên bang Maratha. Trong trường hợp của thành phố Gwalior, tiểu vương Scindia là người cai quản khu vực này. Và nơi gia tộc này sống chính là cung điện Jai Vilas lộng lẫy. Ngày nay con cháu của ông vẫn còn sinh sống tại đây. Nhưng một phần được chuyển đổi công năng thành viện bảo tàng.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý Michael Filose, Jai Vila là một sự kết tao nhã giữa phong cách Tuscan và Corinthia. Cung điện bao gồm 400 phòng, trong đó 25 phòng được mở cho khách tham quan từ năm 1964. Mỗi phòng đều được trang trí xa hoa, với đồ gỗ nhập khẩu từ Anh và Pháp, đồ thủ công tinh xảo, và nhiều món đồ độc lạ. Phải kể đến như đoàn tàu hỏa bằng bạc chuyên dùng để chở rượu và xì gà quanh bàn ăn. Hay một tấm thảm Ba Tư có thêu hình của các vĩ nhân trên thế giới. Ngay cả Chúa Jesu cũng có mặt trên tấm thảm kì lạ này.
Một đại diện cho kiến trúc châu Âu ở miền Trung Ấn Độ.
Tuy nhiên, căn phòng ấn tuợng nhất chính là Darbar Hall. Đây là nơi tiểu vương và quần thần tụ họp để bàn việc hoặc tán gẫu. Trong khán phòng vương giả này, ta có thể cảm nhận được sự giàu sang và uy quyền của vương tộc Scindia. Căn phóng có lẽ lấy cảm hứng từ cung điện Versailles, với mái vòm dát vàng đậm chất Baroque. Đồ nội thất và rèm cửa cũng có màu hoàng kim lấp lánh, nổi bật trên tấm thảm đỏ xa hoa. Điểm nhấn của căn phòng là hai chiếc đèn chùm làm bằng pha lê sản xuất tại Murano. Mỗi chiếc nặng 3,5 tấn và người ta đã phải treo tám con voi lên trần để kiểm tra độ chắc chắn của mái vòm trước khi treo hai tuyệt tác này lên.







Kinh nghiệm du lịch thành phố Gwalior
- Xe hơi có thể vào sát bên trong pháo đài Gwalior. Tuy nhiên, cần xem xét thời gian chờ. Vì chỉ có một lối lên và xuống. Nên dường như lúc nào cũng phải xếp hàng chờ đến lượt. Bạn cũng có thể leo bộ lên pháo đài. Nhưng đường đi khá là dốc. Tuy nhiên bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ hoành tráng của toàn bộ pháo đài.
- Pháo đài khá rộng và có rất ít chỉ dẫn hay giải thích, nên cách tốt nhất để tham quan pháo đài là thuê một hướng dẫn viên địa phương.
- Cũng như những điểm tham quan khác, bạn có thể mua vé tham quan pháo đài Gwalior trên website của Viện Khảo cổ Ấn độ (chọn Bhopal). Giá vé là ₹250 cho một du khách (rẻ hơn ₹50 so với mua tại quầy).
- Giá vé vào cung điện Jai Vilas thì đắt hơn, ₹800 một người. Chụp ảnh (dù bằng điện thoại) sẽ tốn thêm phí ₹100.
- Nên nhớ rằng thành phố Gwalior không được du khách ghé thăm nhiều. Do đó, rào cản ngôn ngữ ở đây khá là lớn.
Đẹp quá em ui, c plan đến vùng này năm nay nè. Em có đi Orchha nữa ko?
Dạ ko 🙂 E mới đi Ấn lần đầu nên chưa dám đi xa cung đường truyền thống. Từ Gwalior e đi qua Ranthambore để xem hổ. Xong từ đó lại đi Jaipur rồi về Delhi.
Chị đi bang này chắc sẽ phải qua Highway 44. Nó kiểu như Quốc lộ 1 rất đông xe tải, cộng thêm bò nằm la liệt giữa đường. Nên nếu được thì chị plan flexible một chút. Em đi có 1 đoạn Agra-Gwalior 120km mà mất gần 4 tiếng. Ko kẹt xe nhưng phải chạy chậm vì xe tải chèn khiếp lắm.
Chị định đi tàu từ Dehli tới Gwalior á em, hi vọng đỡ được khoản tắc đường nhưng mà tàu thì lại có nguy cơ chậm :)). Nên thôi mình cứ phải chuẩn bị thời gian dôi ra một tí chứ lịch mà sát quá thì lại không đi được hết những chỗ mình muốn. Chị còn chưa đi cung tam giác vàng Jaipur… luôn á. Ấn rộng quá nên chắc còn phải đi nhiều lần em nhỉ
Đúng rồi chị. Ấn Độ rộng mà di chuyển cũng mất thời gian nữa nên phải chia ra nhiều chuyến. Nội cái bang Rajasthan thôi mà e cũng mới đi được có một xíu. Nhưng được cái xin visa dễ 😛