Khi nhắc đến Hà Nội, đa phần du khách đều nghĩ ngay đến sự huyên náo, sôi động của thành phố. Họ có thể tượng tượng ra được những món ngon đường phố. Và có lẽ họ cũng biết một vài điều về những cuộc chiến thế kỉ 20 mà Việt Nam phải trải qua. Nhưng không nhiều người nhận ra rằng Hà Nội cũng có một lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ hơn 1.000 năm trước.
Dưới cặp mắt của người lần đầu mới đến Hà Nội, thành phố trông thật xô bồ, chật chội và hỗn loạn. Những dòng người và xe chen chúc nhau trong một mê cung đầy những căn nhà bê-tông buồn tẻ. Cùng với cả nước, Hà Nội đang phát triển với tốc độ chóng mặt, bù đắp lại thời kì khó khăn đã qua. Tuy nhiên sự phát triển này đã mang đến những tác động không mong muốn cho cảnh quan văn hóa. Nhiều công trình di sản ở thủ đô đã bị lãng quên hoặc phá bỏ hoàn toàn.
May mắn thay, vẫn còn đó những công trình lưu giữ hồn xưa Hà Nội. Từ những di tích của Hoàng thành Thăng Long, những bia đá trăm năm tuổi ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cho đến những con hẻm nhỏ phủ rêu phong của phố cổ Hà Nội. Tất cả đều thể hiện quá trình lịch sử lâu đời của một kinh đô tráng lệ từng được mệnh danh là “Thăng Long”.





1. Hoàng thành Thăng Long
Để có một cái nhìn bao quát về lịch sử Hà Nội, có lẽ không nơi nào tốt hơn Hoàng thành Thăng Long. Công trình được xây dựng vào năm 1010 dưới thời Lý Thái Tổ – vị vua đầu tiên của Đại Việt – trên nền của một pháo đài Trung Hoa có từ thế kỉ thứ 7. Sau đó, các đời vua Trần, Lê và cuối cùng là Nguyễn, tiếp tục cho mở rộng thành và để lại dấu ấn của mình ở đây. Hoàng thành Thăng Long vẫn giữ vị trí trung tâm quyền lực cho đến năm 1810 khi Hoàng đế Gia Long dời đô về Huế.
Đến cuối thế kỉ 19, phần lớn Hoàng thành bị phá bỏ để xây dựng một pháo đài kiểu Vauban. Tình trạng của thành càng xuống cấp do chiến tranh và bị bỏ mặc trong nhiều thập kỉ. Hiện tại chỉ còn một vài công trình như Đoan Môn (cửa Nam), thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu và một số cấu trúc nhỏ lẻ còn tồn tại. Mãi cho đến đầu những năm 2000, một cuộc khai quật lớn đã được tiến hành tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Nhiều di chỉ, nền móng, đường xá, giếng nước và vô số cổ vật đã được tìm thấy.





Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Rộng đến 20 ha, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu hiện là khu vực khảo cổ lớn nhất ở Việt Nam. Việc khai quật bắt đầu vào cuối năm 2002 khi một số cổ vật được phát hiện trên nền của hội trường Ba Đình. Lúc bấy giờ, hội trường đang được dỡ bỏ để xây nhà quốc hội mới. Tại đây, những nhà khảo cổ đã tìm thấy khoảng tám đến chín lớp kiến trúc và cổ vật khác nhau. Chúng nằm chồng lên nhau, bắt đầu từ thời kì Đại La (thế kỉ thứ 7 đến thứ 9). Cho đến ngày nay, chỉ mới một phần nhỏ của khu di tích này được khai quật.
Suốt gần 13 thế kỉ, và gần như không bị gián đoạn, Hoàng thành Thăng Long đã chứng kiến vô số khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Nó cũng là cái nôi của văn hóa, nghệ thuật trong nhiều thế kỉ. Chính vì thế mà UNESCO công nhận Hoàng thành là một Di sản Văn hóa Thế giới. Công trình này đại diện cho một nền văn hóa độc đáo ở khu vực đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và vương quốc Chămpa ở phía Nam.

















2. Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Hai cây số về phía Nam của Hoàng thành là Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Quần thể này được bắt đầu xây dựng vào năm 1070. Vua Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu để tỏ lòng tôn kính với Khổng Tử và những bậc thầy đã dạy dỗ các hoàng tử. Sáu năm sau, một học viện được xây dựng trong khuôn viên của Văn Miếu để đào tạo giới quý tộc. Nó được đặt tên là Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Trong suốt những thế kỉ sau đó, Văn Miếu-Quốc Tử Giám vẫn giữ vai trò là trung tâm học thuật lớn nhất cả nước. Tuy nhiên đến đời Trần thì việc học không chỉ giới hạn trong giới quý tộc. Nhân tài từ khắp cả nước đều có thể đến đây học thơ, văn và thuyết Khổng Tử. Đến năm 1484, Vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng những bia đá khắc tên tuổi, quê quán và công trạng của những học sĩ lỗi lạc nhất. Ngày nay, có 82 trên tổng số 116 bia đá còn tồn tại. Tất cả bia đều được tạc trên mai của rùa đá – một biểu tượng của sự vĩnh tồn và quyền lực.
Sau khi kinh thành được dời về Huế vào thế kỉ 19, Văn Miếu – Quốc Tử Giám dần mất đi tầm quan trọng của mình. Tuy nhiên quần thể này vẫn còn được bảo tồn và gìn giữ khá tốt. Toàn bộ khu vực rộng 54.000 m2 được bao bọc bới tường gạch, bao gồm vườn cây, Khuê Văn Các, hồ nước và năm khoảng sân trong. Đây là một đại diện tiêu biểu cho kiến trúc tiền thuộc địa ở Hà Nội.
Một ví dụ tiêu biểu cho kiến trúc tiền thuộc địa ở Hà Nội.





3. Phố cổ Hà Nội
Cũng như Hoàng Thành hay Văn Miếu-Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội cũng có lịch sử kéo dài hơn ngàn năm. Khởi đầu nơi đây chỉ là một vùng đầm lầy với đầy cá sấu. Nhưng kể từ khi Hoàng thành được xây dựng, thì nơi đây phát triển thành một khu phố thị sầm uất. Thợ thủ công từ những ngôi làng lân cận đổ về kinh đô để làm ăn, buôn bán.
Lâu dần họ tập hợp nên những làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề sản xuất một loại hàng và sinh sống tập trung trên một tuyến đường. Cuối cùng họ đặt tên cho tuyến đường theo tên mặt hàng mà họ buôn bán. Vì dụ như Hàng Da chuyên bán đồ da, hay Hàng Thiếc chuyên bán đồ bằng thiếc. Đó là lí do tại sao nhiều tuyến đường ở phố cổ Hà Nội đều bắt đầu bằng chữ “Hàng”.
Họ đặt tên cho tuyến đường theo tên mặt hàng mà họ buôn bán.
Trong khi một vài con phố vẫn giữ được ngành nghề truyền thống, số khác lại đổi ngành nghề để phù hợp với thị hiếu ngày nay. Ví dụ như Hàng Buồm không còn bán dụng cụ đánh bắt cá nữa. Thay vào đó là những loại bánh kẹo truyền thống. Bên cạnh những món đồ thủ công, khu vực nhộn nhịp này giờ đây là nơi lý tưởng để nếm thử các món phở, xôi và những đặc sản khác của đường phố Hà Nội.

Hồ Hoàn Kiếm
Nằm giữa phố cổ Hà Nội ở phía Bắc và khu vực kiến trúc Pháp ở phía Nam là hồ Hoàn Kiếm – một biểu tượng khác của Hà Nội. Tương truyền, Vua Lê Lợi được Long Vương trao một thanh kiếm thần vào năm 1428 để đánh đuổi giặc Minh. Sau khi hòa bình lập lại, trong lúc nhà vua đang đi thuyền trên hồ, một con rùa vàng nổi lên. Rùa yêu cầu nhà vua giao lại gươm thần vì không còn cần nữa. Chính vì thế mà hồ được đặt tên là Hoàn Kiếm.
Sau sự kiện kì lạ đó, người ta đồn rằng có nhiều rùa đến sinh sống trong hồ. Trong đó có một cặp rùa sông Dương Tử khổng lồ. Nhưng tiếc thay, con cuối cùng đã qua đời vào năm 2016. Ngày nay, hồ nước ngọt giữa trung tâm thành phố này là một điểm tụ tập ưa thích của cả người dân địa phương lẫn khách du lịch. Họ đến đây để tập thể dục, tán gẫu, đánh cờ tướng, hoặc đơn giản là thư giãn giữa Hà Nội luôn ồn ào, náo nhiệt.

Những người bán rong
Khi dạo quanh phố cổ Hà Nội, bạn sẽ bắt gặp ít nhất một hoặc hai người bán hàng rong. Họ rong ruổi trên những con hẻm với đủ thứ hàng hóa phía sau. Họ vừa đi vừa cất tiếng rao để mời gọi khách hàng. Dù đây không phải là nét đặc trưng riêng của Hà Nội nhưng họ lại là một phần tất yếu của đời sống phố thị. Không ai biết là họ xuất hiện từ lúc nào. Nhưng ta biết họ là một phần quan trọng của nền kinh tế địa phương (tuy không chính thức).
Nghe thì có vẻ kì lạ nhưng những người bán hàng rong lại có một nguồn khách khá ổn định. Chất lượng vì thế mà cũng được giữ ở một mức độ chấp nhận được. Nhiều khách hàng còn xem đây như là một cách để mua thực phẩm hàng ngày. Họ không phải ra phố nhưng vẫn mua được thứ mình cần. Có nhiều mặt hàng, nhưng chủ yếu là hàng tiêu dùng, từ mớ rau, cọng hành, đến trái cây, và cả hoa nữa.


